Ngày 8-4, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết bệnh viện này vừa lấy thành công một con sán xơ mít dài 5 m trong người bà Hà Thị H. (82 tuổi, ngụ xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn).
Theo các bác sĩ tại bệnh viện, bà H. nhập viện vào ngày 6-4 vì nhiễm sán xơ mít. Các bác sĩ sau khi khám và xét nghiệm phân đã cho bà H. uống thuốc xổ. Đến trưa ngày 7-4, bà H. đi ngoài ra một con sán xơ mít dài hơn 5 m, trông giống như ruột gà.
Sán xơ mít dài hơn 5 m từ bụng cụ H. được đưa ra ngoài Ảnh: CTV
Bác sĩ Trương văn Huy, Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cho hay đầu sán xơ mít đã được cắt bỏ để đưa đi làm xét nghiệm. “Xổ sán xơ mít với thuốc tây y dễ thất bại vì đa phần không xổ được đầu sán. Với một liều thuốc được chế biến từ trái cau, sán xơ mít ra cả con, hiệu quả trên 90% mà bệnh nhân không bị phản ứng phụ nào. Sau khi xổ xong phải cắt đầu sán đi xét nghiệm mới yên tâm” – bác sĩ Huy cho hay.
Được biết, sức khỏe bà H. hiện đã ổn định, đang được bệnh viện tiếp tục theo dõi. Theo bà H., khoảng 1 năm trở lại đây, bà thấy khó chịu mỗi lần đi ngoài nhưng không nghĩ trong người lại đang “nuôi” con sán xơ mít dài như vậy.
Theo Wikipedia, sán xơ mít có tên khoa học Taenia, là một chi sán ký sinh. Chúng được gọi sán dây hay sán xơ mít vì hình dạng giống xơ của trái mít, cơ thể của chúng chia thành nhiều đốt nhỏ. Trong y học cổ truyền loài ký sinh này còn được gọi là bạch thốn trùng hay bách thốn trùng.
Các loài trong chi này là các loại ký sinh trùng rất dài, hình dẹp, không có bộ phận tiêu hóa. Do đó sán phải sống bằng cách lấy thực phẩm trực tiếp từ ruột non của người và súc vật mà chúng xâm nhập. Sán trưởng thành gồm có ba phần, phần đầu để bám chặt vào ruột, cổ không phân đoạn nhưng có thể tái sinh rất mau, phần còn lại là mình gồm nhiều đoạn nhỏ mà những đoạn ở đuôi chứa buồng trứng. Khi trị bệnh mà không loại được đầu và cổ thì sán sẽ tái sinh toàn bộ.
No comments:
Post a Comment