Anh T đang điều trị tại Bệnh viện.
Mờ mắt, hôn mê vì rượu
Anh Lê Văn T. 48 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội đang bị hôn mê do ngộ độc methanol với nồng độ quá cao. Dù đã được bác sĩ lọc máu, thải độc nhưng tình trạng sức khỏe của anh vẫn đang phải theo dõi.
Vợ anh T. cho biết, chồng chị không có tiền sử nghiện rượu. Trước anh làm xây dựng ở Đồng Nai nhưng 4 năm nay anh về bắc làm ở một công ty xây dựng tại Trung Kính, Hà Nội. Hai tuần anh T mới về nhà thăm vợ con một lần. Hôm thứ 7 ngày 25/2, anh T về nhà vẫn khoẻ bình thường nhưng đến sáng chủ nhật anh kêu đau đầu và hai mắt mờ.
“Anh ấy cứ bảo sao anh không nhìn thấy gì, thậm chí đi đôi dép cũng không đi được” – chị nói.
Người nhà vội vàng đưa anh T vào Bệnh viện Quân y 105 để cấp cứu sau đó chuyển thẳng lên trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu.
Gia đình anh T. có về công ty anh hỏi xem trước đó anh uống rượu với ai không nhưng cả công ty không có người nào cùng anh uống rượu cả. Thậm chí, mọi người còn tìm xem anh có để rượu ở phòng không nhưng không có và không ai biết anh uống rượu ở đâu để tìm nguồn gốc rượu.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Thị Xuân – Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân, chỉ nghe người nhà bệnh nhân nói triệu chứng là bác sĩ đã cho tiến hành cấp cứu lọc máu, thải độc ngay, không chờ khi có kết quả xét nghiệm methanol.
Bác sĩ Xuân cho hay, nếu chờ có kết quả xét nghiệm methanol thì mất cả ngày, bệnh nhân nguy kịch hơn. Vì thế bằng kinh nghiệm của bác sĩ, họ đã chẩn đoán có thể do ngộ độc methanol.
Đúng như chẩn đoán ban đầu, khi có kết quả xét nghiệm vào trưa 28/2, bệnh nhân T. bị ngộ độc methanol ở nồng độ cao lên tới 47,6 ml/dL, đây là nồng độ cực kỳ nguy hiểm.
Bình thường, methanol ở nồng độ 20 mg/dL đã phải lọc máu, thải độc, riêng bệnh nhân này quá nặng, vẫn đang phải điều trị theo dõi.
Bác sĩ Xuân thông tin, hầu như ngày nào, Hà Nội cũng có người ngộ độc methanol vào cấp cứu và tử vong thì rất nhiều.
Đa số bệnh nhân ngộ độc rượu đều có tiền sử nghiện rượu, thậm chí có trường hợp ngộ độc rượu còn kèm theo xơ gan nên việc điều trị rất khó khăn.
Ma men uống cả cồn y tế
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không chỉ uống rượu mà thậm chí có người còn uống cả cồn y tế vì họ nghĩ cồn y tế an toàn hơn cồn công nghiệp.
Trong số 7 bệnh nhân đang điều trị tích cực vì ngộ độc methanol, có tới 2 bệnh nhân uống cồn y tế. Không thể lý giải được vì sao người bệnh lại uống cồn y tế, các bác sĩ chỉ có thể lý giải: “họ quá nghiện và lệ thuộc vào cồn nên khi không có rượu thì uống cồn vì cồn 70 độ vẫn rẻ hơn rượu”.
Rượu có methanol không gây ngộ độc ngay mà phải 2 – 3 ngày sau mới có triệu chứng. Có người uống nhiều lần và uống nhiều loại rượu, khiến tác dụng phụ mờ, biểu hiện ngộ độc methanol chậm hơn bình thường.
Bác sĩ Nguyên cho biết, cả 7 bệnh nhân đang điều trị tại viện Bạch Mai đều trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, đa phần bệnh nhân có triệu chứng mờ mắt, giảm thị lực hoặc mù, hôn mê, tụt huyết áp, thậm chí có bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn 1 lần.
Khi bác sĩ làm các xét nghiệm, bệnh nhân đều có nồng độ cồn trong máu rất cao, toàn cồn công nghiệp methanol, có những người lên đến hơn 500mg/dL. Đây là liều gây tử vong đến hàng chục lần.
Thạc sĩ Nguyên cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để giảm tình trạng sử dụng cồn công nghiệp trong chế biến rượu, gây nên những cái chết đau lòng cho người bệnh.
No comments:
Post a Comment