Bác sĩ Hồ Hồng Hải (Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, ngày 27/3, bệnh nhân Cụt Thị Hiền đến khám bệnh với triệu chứng khó thở. Theo trình bày của bệnh nhân, triệu chứng khó thở đã kéo dài suốt 2 tháng.
Bác sĩ Hải đã nội soi vùng họng của bệnh nhân Hiền và phát hiện dị vật nằm ở ngã ba hầu họng. Bác sĩ đã thực hiện gắp dị vật ra ngoài, đó là một con vắt nước (giống con đỉa, sống ở khe suối) dài khoảng 10cm, đang sống.
Bác sĩ Hải thực hiện nội soi gắp con vắt dài khoảng 10cm được gắp ra từ họng bệnh nhân Cụt Thị Hiền.
Bệnh nhân Hiền cho biết, có thể con vắt này chui vào họng khi em uống nước dưới suối và nó bám vào thành họng rồi sinh trưởng ở trong đó.
Theo bác sĩ Hải, con vắt này có thể khi vào họng bệnh nhân là còn nhỏ, hút máu để sinh trưởng to và dài ra trong vòng 2 tháng.
Bác sĩ Hải cho biết thêm, ở huyện Kỳ Sơn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, họ có thói quen uống nước trực tiếp từ khe suối nên rất nhiều trường hợp bị vắt, đỉa chui vào người qua đường miệng. Trung bình mỗi năm Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Sơn tiếp nhận và gắp thành công cho khoảng 10 bệnh nhân bị vắt nước chui vào mũi, họng.
Bác sĩ Hải khuyến cáo người dân nên uống nước đã đun sôi, khi đi làm trong rừng nên dùng bình mang theo nước để uống, không uống nước trực tiếp dưới suối vì tiềm ẩn nhiều vi khuẩn và sinh vật gây hại cho sức khỏe.
No comments:
Post a Comment