Bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần ở Việt Nam ngày càng gia tăng
Chiều 4/4, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai đưa ra tại Hội thảo truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề: “Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện”.
Ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Trong năm 2016, Viện đã khám và điều trị ngoại trú 18.402 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt bệnh nhân (chiếm 13,0%). Trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000- 40.000 người.
Cũng theo ông Phương, nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe tâm thần năm 2016, ở những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
Ông Phương lý giải, nguyên nhân khiến số người mắc tâm thần tăng do xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng ngày càng được nâng cao, người dân đã tìm hiểu và đến khám, điều trị ngày càng nhiều.
Dù tỷ lệ người mắc lớn song theo lãnh đạo Viện Sức khỏe tâm thần, việc điều trị trầm cảm gặp rất nhiều thách thức và khó khăn. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết nên chậm chễ trong việc điều trị đúng chuyên khoa. Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị.
Thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ cơn tái diễn sau cơn thứ nhất, tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%. Một số thuốc chống trầm cảm đạt được mức độ đáp ứng điều trị bệnh nhưng khi đó bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động khác.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Doãn Phương, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần, bởi ở người phụ nữ, sự thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
No comments:
Post a Comment