Con đường dẫn đến tù tội
Năm 2000, Trần Xuân Hà đang theo học một trường cao đẳng tại TP.HCM. Để thay đổi số phận, Hà chọn nghề buôn bán ma túy để thu lợi "khủng'', bất chấp hành vi đang bị xã hội lên án.
Không những thế, Hà còn nhờ người cậu ruột là Hoàng Trọng Hưng (SN 1972) vận chuyển ma túy tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Để rồi sau đó, mọi chuyện bị bại lộ hai cậu cháu bị bắt và đều bị kết án tử hình. May thay, người cậu của Hà được ân xá giảm xuống chung thân.
Chúng tôi tìm đến trại giam Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) thuộc Tổng cục VIII – bộ Công an. Tại đây, PV đã có cuộc tiếp xúc ngắn ngủi với phạm nhân Hoàng Trọng Hưng.
Gặp PV, Hưng cười và nói: “Mừng quá, hôm nay, tôi có người đến thăm. Đã lâu, tôi chưa có ai đến thăm hỏi nên cũng buồn. Ba mẹ già yếu, vợ con thì bỏ đi khi tôi vướng vòng lao lý nên không ai đến thăm”.
Hưng bảo, cứ nghĩ giúp cháu vận chuyển ma túy là không có tội. Thế nên, Hưng đã vô tư chở hàng cho Hà đến 3 lần không công và không sợ bị bắt. Giờ đây, khi hiểu rõ về việc làm phạm pháp, Hưng thấy run sợ.
Hưng buồn mỗi khi nhớ về cha mẹ
Người đàn ông tuổi ngoài 40 cúi gầm mặt xuống rồi thỏ thẻ: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Hoàn cảnh khó khăn, tôi xa gia đình, xa quê vào miền nam lập nghiệp. Hồi đó, tôi đi làm thuê tích góp được ít vốn rồi cùng một người bạn mở cơ sở sản xuất nước. Đặc trưng nghề nghiệp của tôi là đi giao hàng nhiều nơi nên mới có cơ hội để cháu tôi lợi dụng”.
Hưng nhớ lại: “Khoảng năm 2003, cháu Trần Xuân Hà, con của chị gái đến gặp tôi và nói Hà được nhà trường cho một suất học bổng đến nước Hà Lan du học. Hà nói với tôi, cháu phải kiếm nhiều tiền để trang trải cho khoảng thời gian du học. Hà đến xin đi giao nước cùng tôi tại tỉnh Bình Dương.
Trong chuyến đi ấy, Hà mang về một túi gì đó. Sau này, tôi mới biết là ma túy. Hai lần sau đó, Hà cũng nhờ tôi vận chuyển ma túy. Đến năm 2004, đường dây ma bán ma túy của Hà bị lộ, Hà bị bắt với số lượng 122 bánh heroin. Từ lời khai của Hà, công an đã đến nhà bắt tôi. Lúc bị bắt, tôi không biết mình phạm tội gì”.
Vợ bỏ đi xây dựng hạnh phúc mới
Hưng sa vào lao lý, vợ con liền bỏ đi xây dựng hạnh phúc mới. Hưng nghẹo ngào: “Sau khi tôi vào trại giam, vợ tôi viết và gửi một bức thư với nội dung nói lời chia tay. Mới đầu biết tin vợ con bỏ đi, tôi không lấy làm buồn lắm. Bởi vì, tôi biết với mức án chung thân, tôi sẽ không còn cơ hội được trở về với đời thường nữa. Do đó, việc vợ đi theo hạnh phúc mới là điều tôi cần thông cảm. Tuy nhiên, trong những ngày tháng sống thiếu vắng người thân, tôi lại nhớ đến hình ảnh vợ con”.
Sống và sinh hoạt chung với nhiều phạm nhân khác nhưng Hưng lúc nào cũng có cảm giác y đang sống thui thủi một mình. Hưng khao khát được ở bên người thân hay ít ra họ cũng đến thăm để Hưng trút bao tâm sự, nỗi buồn.
“Tôi muốn được nhìn thấy mặt con, muốn được trò chuyện cùng con. Thế nhưng, tất cả với tôi giờ đây thật khó khăn. Cha mẹ già yếu tuổi ngoài 90 không thể đến thăm. Vợ bỏ đi không nhìn mặt”, Hưng bộc bạch.
Hưng kể: “Tôi ám ảnh câu hỏi của cha trong lần gặp giám thị: “Chú ơi khi tôi chết, Hưng có được Nhà nước cho về nhìn mặt lần cuối không?”. Nghe đến đấy, tôi không thể kiềm lòng. Lúc bấy giờ, tôi chợt nghĩ, giá như hồi đó mình hiểu biết về pháp luật hơn thì không bao giờ làm việc phạm pháp để phải đi tù. Cha mẹ tôi luôn nhắc nhở phải sống và cải tạo tốt để chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ”.
Sau câu chuyện Hưng kể đầy nước mắt về chuyến thăm của ba mẹ, Hưng lại cho chúng tôi biết về mong muốn trong tương lai.
“Được về nhìn thấy mặt cha mẹ lần cuối, còn khó hơn lên trời. Thế nên, tôi chỉ còn ước mong là mình sớm được trả tự do để về “hương khói” cho cha mẹ, tổ tiên”, Hưng bày tỏ.
No comments:
Post a Comment