Nghiên cứu mới giúp giải quyết tình trạng thiếu máu hiến tặng đang ngày càng trầm trọng.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học không ngừng tìm cách tạo ra các tế bào máu trong phòng thí nghiệm khi mà nguồn máu hiến tặng dần trở nên khan hiếm, đặc biệt đối với những người có nhóm máu hiếm hoặc nhóm máu O - nhóm máu có nhu cầu nhiều nhất.
Lần này, nhà sinh học Jan Frayne (Đại học Bristol) cùng các đồng nghiệp đã thành công trong việc biến những tế bào gốc trưởng thành thành một dòng tế bào gốc erythoid (nghĩa là quá trình tạo ra hồng cầu) bất tử gọi là BEL-A có thể nhân lên vô số lần.
Để tạo ra những tế bào ấy, họ đã sử dụng các tế bào gốc trưởng thành trong giai đoạn phát triển sớm, điều này đồng nghĩa với việc chúng có thể phân chia và tạo ra hồng cầu một cách vĩnh viễn mà không chết.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã cố gắng chuyển trực tiếp tế bào gốc thành hồng cầu trưởng thành, nhưng hiệu suất của phương pháp này rất thấp. Mỗi tế bào gốc chỉ sản xuất được khoảng 50.000 hồng cầu trước khi chết, trong khi một túi trữ máu bình thường ở các bệnh viện chứa khoảng 1.000 tỷ hồng cầu.
Jan Frayne cho biết lợi thế của nguồn máu được tạo ra trong phòng thí nghiệm là tránh được các vấn đề thường gặp đối với những bệnh nhân cần truyền máu nhiều lần trong đời, chẳng hạn như người bị bệnh hồng cầu lưỡi liềm. Đó là chưa kể đến việc nguồn máu hiến tặng, mặc dù được kiểm tra nghiêm ngặt, cũng có nguy cơ lây truyền bệnh dù tỷ lệ không cao.
Ở nhiều nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học đã cố gắng tạo ra nguồn cung cấp máu trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng tế bào gốc từ dây rốn hay một số nguồn khác. Nhưng những tế bào gốc này nhanh chóng bị phá hủy và ngừng phân chia tại một thời điểm nhất định.
Phát biểu trên tạp chí Nature Communications, Jan Frayne nói: “Khi giữ được các tế bào liên tục phân chia trong một năm, chúng tôi đã rất vui mừng khi đã tìm ra một cách khả thi để sản xuất ổn định hồng cầu cho sử dụng lâm sàng”.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cho biết loại máu nhân tạo này vẫn cần phải trải qua nhiều thí nghiệm trước khi có thể biết được chúng có an toàn và hiệu quả không. Theo đó, những thử nghiệm đầu tiên trên con người sẽ bắt đầu ở Anh vào cuối năm nay và có lẽ sẽ phải mất ít nhất vài năm nữa trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi.
No comments:
Post a Comment