Các chuyên gia khuyến cáo, người bị bệnh liên quan đến tai-mũi-họng không nên đi bơi. Ảnh: N.Ma
Đi bơi một tiếng, nằm viện cả tuần
Chớm hè, trong khi các đồng nghiệp í ới rủ nhau đến các hồ bơi để “hạ nhiệt”, anh Trần Văn Thiêm (trú tại Đống Đa, Hà Nội) lại ngậm ngùi chọn cách đi bơi ở... bồn tắm của gia đình. Thắc mắc về lựa chọn này, anh Thiêm lý giải: “Giờ cứ nghĩ đến các bể bơi công cộng, ngột ngạt người là tôi lại thấy sợ. Năm ngoái, cũng chỉ vì “ham hố” đi bơi cùng bạn bè mà tôi phải ăn cơm bệnh viện cả tuần trời. Mà có được bơi thoải mái đâu cho cam, mới được khoảng một tiếng, tôi đã phải lên bờ vì khó thở. Năm nay rút kinh nghiệm, tốt nhất là “ta về ta tắm bồn nhà ta” cho lành”.
Theo lời anh Thiêm, nguyên nhân khiến anh phải nhập viện là do có tiền sử bị bệnh xoang mũi. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến anh phải nhập viện có thể là do nguồn nước hồ bơi nơi anh tắm không đảm bảo, chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc. Chúng tấn công phần mũi đã bị viêm trước đó và làm bệnh của anh tái phát.
Một trường hợp khác, con gái chị Lê Thị Loan (quê Hưng Yên) cũng kêu đau tai khó chịu sau khi đi học bơi được vài ngày. Chị cho biết, trước đây, cháu bé có tiền sử bị bệnh viêm tai giữa, đã được chữa trị và chưa thấy tái phát. Do đó, chị quyết định cho con đi bơi để nâng cao sức khỏe. Nhưng do chủ quan không đội mũ bơi cho con nên bé bị nước lọt vào trong tai.
Chị kể: “Ngay khi con bé kêu ù tai, tôi đã lấy tăm bông thấm sạch nước. Lúc ấy, tôi chỉ thấy có dịch màu vàng nhạt. Hai hôm sau, tai con bắt đầu sưng, tấy đỏ, lau có dịch vàng sẫm. Đưa con đi khám, bác sĩ kết luận, cháu bị tái phát bệnh viêm tai”.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ThS.BS Nguyễn Quốc Hùng - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: Thông thường, những người có tiền sử hoặc đang bị các bệnh liên quan đến tai-mũi-họng như viêm mũi, viêm tai, xoang mũi… sẽ được các bác sĩ khuyến cáo không nên đi bơi tại những nơi công cộng. Bởi lẽ, việc làm này vừa có nguy cơ khiến bệnh trầm trọng hơn cho chính người bệnh, vừa tiềm ẩn khả năng lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.
Biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời
ThS.BS Nguyễn Quốc Hùng phân tích: Ở những bể bơi công cộng, nhất là những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, chứa nhiều nấm mốc, vi khuẩn hoặc bị lạm dụng các hóa chất khử trùng hồ bơi như bột sunfat đồng, bột clo và một số hóa chất khác thường gây rất nhiều bất lợi đối với sức khỏe con người. Với những người đang bị viêm tai, viêm mũi họng… khả năng bị các vi khuẩn và hóa chất có hại tấn công vùng bị tổn thương càng lớn. Người bệnh có thể bị phù nề ngay tại phần viêm khiến bệnh trở nên trầm trọng, khó điều trị hơn hoặc biến chứng thành những bệnh nguy hiểm khác.
Bên cạnh đó, nước bể bơi cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn từ người này lây qua người khác thông qua dịch mũi, mủ, đờm dãi hoặc nước tiểu của bệnh nhân. Do đó, càng nhiều người cùng tắm trong một hồ bơi, khả năng truyền nhiễm bệnh cho nhau càng lớn. Không chỉ truyền bệnh liên quan đến tai - mũi - họng mà cả các bệnh khác như đau mắt, viêm da…
Theo BS Nguyễn Quốc Hùng, tai-mũi-họng là các cơ quan liên quan mật thiết đến nhau và là “khởi nguồn” cho nhiều loại bệnh trong cơ thể. Do đó, các bệnh lý liên quan đến tai-mũi-họng thường mắc cùng nhau và kéo theo các biến chứng nguy hiểm.
Do đó, khi mắc bệnh, bệnh nhân cần phải điều trị dứt điểm bệnh để tránh lây lan. Chẳng hạn, viêm mũi xoang là bệnh rất dễ tái phát sau khi tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm ở hồ bơi. Sau đó, những nhiễm trùng ở mũi xoang có thể đi ngược lên vòi nhĩ vào tai giữa và gây viêm tai giữa. Đây là bệnh rất nguy hiểm, thường ở trẻ nhỏ khi vòi nhĩ chưa phát triển hoàn thiện. Bệnh có thể gây đau tai, giảm thính lực thậm chí gây áp-xe và viêm màng não.
Một bệnh nữa cũng hay tái phát khi đi bơi là viêm ống tai ngoài do đây là bộ phận dễ tiếp xúc và “lưu giữ” mầm bệnh. Hơn nữa, khi bơi hoặc lặn quá lâu trong nước, kể cả được đội mũ bơi bảo vệ tai, người bệnh vẫn có nguy cơ bị nhức ở phần viêm do chênh lệch áp suất quá nhiều. Do đó, BS Hùng khuyến cáo, không chỉ nên tránh xa hồ bơi nhân tạo, những bệnh nhân đang gặp các vấn đề về tai-mũi-họng cũng cần hạn chế đi tắm biển. Dù nước biển khá sạch và an toàn nhưng nếu để nước chui vào trong tai quá nhiều cũng không tốt.
Bên cạnh đó, một lưu ý với những người bị viêm tai, nếu đi bơi thấy tai bị ù hoặc ngứa, cần lập tức lên bờ ngay. Không nên cố dùng tăm bông để ngoáy tai vì việc làm này vô tình sẽ đẩy sâu các vi khuẩn có hại vào phần đang bị viêm nhiễm khiến vùng tổn thương bị lan rộng. Tốt nhất, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng để được khám và điều trị kịp thời.
Để đề phòng các bệnh liên quan đến tai-mũi-họng khi đi bơi, BS Hùng khuyến cáo, trước khi quyết định đi bơi, nên tìm hiểu những địa chỉ hồ bơi uy tín với nguồn nước đảm bảo; hạn chế đi bơi vào những ngày cao điểm, tập trung đông đúc người dưới bể bơi để tránh lây nhiễm bệnh; nên mang mũ bơi, kính bơi để hạn chế nước lọt vào mắt và tai trong khi bơi; không uống nước trong hồ bơi. Nếu uống, cần súc miệng lại bằng nước sạch. Ngoài ra, tắm tráng sạch sẽ sau khi bơi để loại bỏ các vi khuẩn còn sót trên cơ thể.
Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh những bệnh nhân mắc các vấn đề liên quan đến tai-mũi-họng, những người bị bệnh ngoài da cũng không nên tắm tại các hồ bơi nhân tạo vừa tránh lây bệnh cho người khác, vừa giảm nguy cơ bệnh tái phát trầm trọng hơn. |
No comments:
Post a Comment