Những ngày trời mưa se lạnh. thật tuyệt khi được thưởng thức một chén chè trôi nước thanh ngọt, ấm nồng hương gừng, cắn 1 miếng tan nhân đậu xanh thơm béo.
Những ngày trời mưa se lạnh. thật tuyệt khi được thưởng thức một chén chè trôi nước thanh ngọt, ấm nồng hương gừng, cắn 1 miếng tan nhân đậu xanh thơm béo.
Gia vị
- 50gr đậu xanh đãi vỏ
- 200gr bột gạo nếp
- 3 muỗng canh đường
- 100gr đường nâu
- 1 nhánh gừng
Cách làm chi tiết:
Nhân đậu xanh
- Đậu xanh vo sạch, ngâm trong nước lạnh trong 1 giờ. Bước này giúp đậu xanh nhanh chín và ngon hơn.
- Để ráo đậu xanh, cho đậu vào nồi, thêm 1 nhúm muối vào, cho nước xăm xắp vào nấu trong khoảng 10 phút cho đậu xanh chín mềm.
- Dùng muỗng đảo đều, thêm 3 muỗng canh đường vào đảo đều trên lửa vừa. Khuấy liên tục cho đến khi đậu sên khô lại thì tắt bếp.
- Cho đậu xanh ra, chia làm những phần bằng nhau, vo viên tròn.
Chuẩn bị bột bánh
- Từ từ thêm 150 ml nước ấm vào bột khuấy cho đến khi hỗn hợp không dính là được. Bạn có thể thêm một chút nước hoặc bột để làm cho hỗn hợp không dính tùy thuộc vào chất lượng bột).
- Chia bột bánh có kích thước gấp đôi nhân đậu xanh.
- Trước tiên vo tròn viên bột, sau đó ấn dẹt và cho nhân đậu xanh vào giữa gói lại, se tròn. Làm lần lượt đến hết.
Nấu nước đường
- Gừng gọt vỏ, cắt nhỏ, băm nhuyễn. Cho gừng, đường nâu vào nồi, thêm 1 lít nước vào nấu cho đến khi đường tan. Đợi cho nước sôi trở lại thì cho bánh vào nấu cho đến khi bánh nổi lên, nấu thêm 2 phút nữa cho thấm đường là được.
- Tắt bếp, cho chè trôi nước ra chén, rắc thêm mè rang lên trên, có thể dùng nóng hoặc lạnh tùy thích.
Mình làm món tráng miệng này cho một bữa tối khoảng hai tuần trước. Hôm ấy vợ chồng mình mời một người bạn của chồng đến nhà ăn tối. Peter là đầu bếp người Úc, đã nghỉ hưu và đang sống ở Hội An. Các nhà hàng ở Hội An phần lớn phục vụ tráng miệng là các món bánh ngọt Tây, vì thế người nước ngoài sống ở Hội An nếu không được người Việt giới thiệu thì cũng khó biết đến các món chè Việt. Với lại hôm đó trời mưa như trút và rét căm căm nên mình nghĩ món này chắc ăn sẽ hợp. Bánh trôi tàu của miền Bắc và chè trôi nước của miền Nam hình như có khác nhau tí chút. Bánh trôi tàu nhân đậu xanh với đường và thường phải ăn nóng. Chè trôi nước ăn nóng nguội đều được, nhân ngoài đậu xanh ra thì phải trộn thêm ít hành phi, ăn với mè/ vừng rang và nước cốt dừa. Món này mình làm có pha trộn của cả hai.
Hồi bà ngoại mình còn sống hay làm món này cùng với bánh trôi, bánh chay vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Hồi ấy làm những món bánh này mất công vô cùng vì công đoạn nào cũng phải tự tay làm tỉ mỉ từ đầu đến cuối. Mình nhớ bà, mẹ, và mấy cô bác trong xóm tập trung ở cái sân rộng trước cửa nhà bà, tíu tít làm từ sáng sớm tới chiều muộn mới xong. Nếp ngon để dành từ vụ mùa trước được bà xay bằng cái cối đá mà lúc đó mình gọi là cối khổng lồ, vì nó to hơn cả người mình khi ấy 5- 6 tuổi. Đậu xanh nguyên hạt được bà đặt lên thớt và cán vỡ bằng một cái chai thuỷ tinh rỗng. Đến buổi chiều sẽ luộc xong bánh và mình là người mừng nhất vì có bánh ăn – đủ loại bánh rán, bánh trôi bánh chay, lại còn có cái bánh chông chênh gì đó hình quả trứng mà giờ mình cũng không nhớ vị nó thế nào nữa. Hình như ăn cũng giống bánh chay mà hình dạng thì khác tí xíu. Mình thích bánh chay nhất, vì bà nấu với bột sắn ướp hương hoa bưởi nhà tự làm. Giờ thì khó kiếm thứ bột sắn thơm ngon như vậy nên mình không làm được nữa.
Hồi mình 6 tuổi, bà ngoại chuyển vào miền Nam ở cùng với bác cả. Nhà mình từ đó cũng không làm bánh trôi bánh chay nữa. Mùng 3-3 hàng năm bố mẹ mình ra chợ mua vài đĩa vài bát về thắp hương, hoặc mua từ mấy cô rao gánh qua nhà. Ăn có chút chút mà bày biện đường bột mất công nên bố mẹ ngại làm. Từ hồi lấy chồng, vì chồng mình không phải người Việt nên mình muốn tìm hiểu và nấu mấy món truyền thống để anh ấy còn biết văn hoá ẩm thực truyền thống của Việt Nam như thế nào. Nói thật đây là lần đầu tiên mình làm bánh trôi tàu này, tất cả dựa hoàn toàn vào trí nhớ hồi 5-6 tuổi đứng xem bà ngoại làm. Cũng may, vì trí nhớ trẻ em thường khá tốt nên bánh làm ra ăn cũng gọi là được. Thỉnh thoảng làm mấy món truyền thống này tuy mất công nhưng lại có không khí, rất vui và ấm cúng.
Nguồn: indiechine
No comments:
Post a Comment