Dáng vẻ rụt rè, xa lạ sau hơn 28 năm đặt chân về quê hương, anh Hứa Ngọc Hiếu (28 tuổi) quanh quẩn bên hành lang khoa Phỏng-Tạo hình, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 đã hơn một tháng nay. Thi thoảng anh lại xin bác sĩ cho vào phòng ngó cô con gái bé nhỏ Hứa Ngọc Trâm mới ba tuổi đang ngày ngày chiến đấu với vết bỏng sâu ở tay và chân.
Đôi chân cháy đen vì bỏng
Anh Hiếu kể anh sinh ra và lớn lên ở Campuchia, anh làm nghề sơn gỗ cùng một xóm người Việt Nam. Cách đây bốn năm anh Hiếu kết hôn với người vợ gốc Campuchia và đã có một mặt con.
“Con gái tôi năm nay đã ba tuổi, mang quốc tịch Campuchia. Bình thường tôi đi làm, để bé ở nhà với mẹ. Hôm đó là giữa tháng 2, nghe vợ kể lại lúc đang nấu ăn thì cho con đi chơi với hai bạn khác trong xóm. Khoảng 30 phút chưa thấy con về, vợ tôi vội vã đi tìm mới phát hiện con đang kêu khóc và hoảng loạn trong đống rác cháy âm ỉ gần nhà. Do lúc đó nóng quá, bé quỳ cả đầu gối và chống hai tay xuống nên người bị cháy đen từ đầu gối trở xuống. Hai bàn chân bỏng khá nặng, lòng bàn chân khuyết sâu, các ngón chân cháy gần như chín thịt” - anh Hiếu nói.
Ngay sau đó bé Hứa Ngọc Trâm được mọi người đưa vào BV ở Campuchia cấp cứu.
“Tôi nhận tin, bỏ việc ở xưởng chạy về, ban đầu cứ nghĩ bỏng nhẹ nhưng vào BV bác sĩ nói con tôi bỏng quá nặng và phải cưa chân. Lúc đó tôi hoang mang lắm, cứ thấy có lỗi với con bé quá nhiều nhưng không làm được gì hết” - người cha chia sẻ.
Các bác sĩ ở Campuchia nói anh Hiếu nên đưa bé về Việt Nam điều trị sẽ cứu được phần nào. Chớp được chút hy vọng dù là mong manh, anh Hiếu chạy khắp bạn bè vay mượn được hơn 2 triệu đồng. Anh cùng vợ theo xe cấp cứu ra biên giới rồi hỏi đường bắt xe đưa con vào BV Nhi đồng 1, TP.HCM.
Bé Trâm cần thêm rất nhiều thời gian điều trị để phục hồi vận động sau này. Ảnh: HP
Cả gia đình được cưu mang
“Ngày về, các bác sĩ và người dân gốc Việt ở Campuchia gom góp cho vợ chồng vừa đủ tiền xe. Là người Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân về nước. Cái gì cũng lạ, từ đường sá đến văn hóa. Vợ lại không biết nói tiếng Việt, tiền ăn uống, sinh hoạt cũng không có. Về đây bác sĩ hỏi BHYT để giảm viện phí, tôi lắc đầu. Bác sĩ hỏi tới, tôi mới kể lại hoàn cảnh gia đình. Nhờ ơn trời, các bác sĩ tốt bụng mỗi người góp một ít cho vợ chồng, còn tìm người tốt đến cho tiền viện phí. Dù chưa biết chân con gái có điều trị được không nhưng tấm chân tình của BV tôi rất mang ơn, dù làm thuê làm mướn ở đâu tôi cũng gắng trả ơn cho mọi người” - anh Hiếu nói.
ThS-BS Diệp Quế Trinh, BS khoa Phỏng-Tạo hình, BV Nhi đồng 1, cho biết bé Trâm nhập viện với đôi chân bị phỏng sâu độ 3-4, vết thương bám đầy bụi, đất, lòng bàn chân khuyết đi, cộng thêm nhiễm trùng. Tất cả các ngón chân đều đã hoại tử hoàn toàn.
“Khi bé nhập viện, nhìn tình trạng bé, chúng tôi đã thấy rất nặng, khó lòng phục hồi hoàn toàn đôi chân. Thế nhưng khi nghe gia đình kể hoàn cảnh, thấy tất cả hy vọng, niềm tin của người cha đặt hết vào mình, chúng tôi có thêm rất nhiều động lực” - BS Trinh nói.
Hiện tại sau ba lần phẫu thuật cắt lọc các phần hoại tử bao gồm các ngón chân, mô chết, ghép da mới, bé Trâm đã ổn định vài phần. Do lòng bàn chân của bé Trâm khuyết sâu nên hiện tại các bác sĩ chỉ có thể ghép da mỏng cho bé. Vì vậy khi lành, bé sẽ rất khó khăn để có thể đứng trụ và bước đi. Dự kiến bé sẽ phẫu thuật ghép da một lần nữa, sau đó cho tập vật lý trị liệu để khôi phục chức năng chân. Tuy nhiên, vận động sau này của bé sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì vết thương khá nặng, có thể bé phải sử dụng nạng.
Xin ở lại bệnh viện phụ việc trả công Sau gần một tháng điều trị, bác sĩ thông báo bé Trâm đã có thể xuất viện, tháng sau quay lại tái khám. Tuy nhiên, do chi phí đi lại quá tốn kém và còn nợ BV quá nhiều, anh Hiếu xin BV được ở lại khuôn viên cho đến ngày con hồi phục hoàn toàn mới về Campuchia. “Tôi còn nợ bác sĩ Việt Nam nhiều quá, giờ mong muốn ở lại một thời gian, làm việc phụ giúp các bác sĩ được phần nào thì phụ. Đến khi nào con tôi khỏe hẳn tôi đưa cháu về bên đó, kiếm tiền gửi về cảm ơn bác sĩ được chút nào hay chút đó” - anh Hiếu nói. Khi trẻ bị bỏng, người phát hiện cần đưa ngay trẻ ra khỏi khu vực xảy ra tai nạn, đồng thời dùng nước sạch rửa liên tục tầm 15-20 phút để giảm nhiệt nơi bỏng. Không bôi những tạp chất khác như lá cây, kem đánh răng… vào vết bỏng. Sau đó đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất. BS DIỆP QUẾ TRINH, khoa Phỏng-Tạo hình, BV Nhi đồng 1 |
No comments:
Post a Comment