Loại thuốc “thần kỳ”
Nhìn chú chó Sherman và Momo chạy nhanh hơn, xa hơn và tràn đầy năng lượng, Paola Anderson - chủ nhân của chúng không giấu nổi sự vui mừng.
Khi Anderson tìm thấy chú Phốc sóc Sherman 8 tuổi bị bỏ rơi vào đêm Giáng sinh năm 2010 đang trong tình trạng nôn liên tục và rên rỉ trong đau đớn. Bác sỹ thú y cho biết, nó mắc bệnh viêm tụy cấp. Sau khi được chữa trị, Sherman đã trở lại bình thường cho đến tháng 5/2015, Sherman bị đột quỵ.
"Bác sỹ nói rằng với một con chó đã 13 tuổi, tương đương 68 tuổi ở người, nó chỉ có thể sống được hai tuần và cho dù phẫu thuật, cơ hội sống sót chỉ là 20%", Anderson nhớ lại.
Qua tìm hiểu, cô biết đến một số nghiên cứu về loại thuốc rapamycin, mặc dù vô cùng hoài nghi về tính khả thi của nó, Anderson vẫn quyết định thử.
Thời điểm này đã là một tháng kể từ khi Sherman bị đột quỵ, nó đã rất yếu và không thể tự ăn. Nhưng rapamycin đã thay đổi tất cả điều đó, Anderson cho biết: "ngày thứ ba sau khi dùng rapamycin, nó có thể tự ăn, đến ngày thứ bảy, nó có thể đi lại”.
16 tháng sau, con chó từng được chẩn đoán chỉ còn sống được 2 tuần vẫn đang chạy nhảy quanh sân.
Điều đó khiến Anderson suy nghĩ về Momo - một con chó giống Pomsky. Nó không bị bệnh như Sherman, nhưng ở tuổi 13, nó đã quá già và mệt mỏi. Cô cũng quyết định thử rapamycin với Momo.
Giáo sư Arlan Richardson bên chú chó Momo.
Và thật bất ngờ, trong vài ngày sau khi dùng thuốc, Momo đã có thể chạy hàng giờ, trong khi trước đó, chỉ cần đi 30 phút thôi cũng là điều vất vả với nó. "Chúng tôi gọi Sherman và Momo là “những đứa bé rapamycin””.
Theo các nhà khoa học, rapamycin là một loại thuốc tự nhiên được phát hiện gần 50 năm trước ẩn trong lớp đất trên đảo Phục Sinh ở Nam Thái Bình Dương. Sau nửa thế kỷ nghiên cứu, họ đã thu được nhiều kết quả khả quan về đặc tính chống lão hóa của loại thuốc này, trong đó có cả khả năng kiểm soát loại virus gây ung thư.
Sau gần một thập kỷ nghiên cứu, nhận thấy rằng nó giúp cho tuổi thọ của chuột kéo dài thêm 60%, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm rapamycin như là một loại thuốc chống lão hóa ở chó.
Giáo sư Arlan Richardson tại Trung tâm người cao tuổi Reynolds Oklahoma là người đã theo đuổi nghiên cứu này trong 40 năm cho biết: "Đây thực sự là phương án khả thi nhất mà chúng tôi có”.
Trong dự án mang tên “Dog Aging” của Đại học Washington, nhóm tác giả đã sử dụng rapamycin cho 16 con chó già trong 10 tuần và chụp lại hình ảnh trái tim của chúng. Giáo sư Matt Kaeberlein, Khoa nghiên cứu bệnh tật cơ thể (Đại học Washington) đồng thời là giám đốc dự án tiết lộ: "Tim của chúng bắt đầu hoạt động tốt hơn, như ở những con chó ít tuổi”.
Có thể sử dụng cho người?
Gặt hái được những bước thành công trên động vật nhưng cho đến thời điểm hiện tại, rapamycin được thử nghiệm rất hạn chế ở người khỏe mạnh.
Hiện tại, có 2 loại thuốc là Rapamune của hãng dược Pfizer, và Afinitor (PDF) của hãng Novartis có một số thành phần chủ yếu giống với rapamycin và được sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân ung thư và cấy ghép nội tạng. Các tác dụng phụ như tiểu đường, nhiễm trùng và rất nhiều nguy cơ khác cũng được ghi nhận.
Tuy nhiên, Giáo sư Kaeberlein nghĩ rằng những phản ứng phụ xảy ra ở bệnh nhân ung thư và những người nhận cấy ghép có thể không phải do rapamycin mà bởi vì những bệnh nhân này vốn đã rất yếu khi tiến hành điều trị, đồng thời cũng dùng cả nhiều loại thuốc khác. Kaeberlein tin tưởng rằng phương pháp điều trị rapamycin sẽ làm chậm lại các căn bệnh lão hóa, chẳng hạn như chứng mất trí hoặc tim.
Tiến sĩ Monica Mita, một nhà nghiên cứu về rapamycin, cho biết cô nghĩ rằng các tác dụng phụ hoàn toàn có thể được kiểm soát khi bệnh nhân được sử dụng đúng liều lượng và theo dõi chặt chẽ.
Vào năm tới, Kaeberlein sẽ thực hiện nghiên cứu trên số lượng chó lớn hơn với khoảng 150 con thay vì 16 con như trước đây. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác trên người cũng được tiến hành, Kaeberlein cho biết thêm.
“Đó là một hành trình dài cho loại hợp chất được phát hiện vào nửa thế kỷ trước. Sự xuất hiện của rapamycin vẫn là một trong những câu chuyện bất ngờ, hấp dẫn và độc đáo nhất trong lịch sử y khoa", Kaeberlein nói.
No comments:
Post a Comment