Friday, March 24, 2017

Thí sinh cẩn thận tâm thần vì thuốc 'tăng cường trí nhớ'

Thí sinh cẩn thận tâm thần vì thuốc 'tăng cường trí nhớ' - 1

Ảnh minh hoạ: Internet

Theo BS Dương Đình Phúc, Trưởng khoa Tâm thần kinh, BV 354, không có thuốc nào làm tăng trí nhớ cả mà chỉ có thuốc hỗ trợ, điều hòa các chức năng của trí tuệ. Một số loại được phụ huynh và sĩ tử truyển tai nhau sử dụng là hoạt chất trích từ cây bạch quả (ginkgo biloga): Thường dùng như: tanakan, ginkor, giloba... Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng điều trị giai đoạn sớm của bệnh Alzheimer, sa sút tri thức, khấp khểnh ngoại biên do mạch, ù tai do mạch gây nên chứ không nhằm tăng cường trí não.

Một loại nữa được coi như “thần dược” là hoạt chất piracetam. Trên thực nghiệm, piracetam có tác dụng bảo vệ chống lại những rối loạn chuyển hóa do thiếu máu cục bộ nhờ làm tăng đề kháng của não đối với tình trạng thiếu oxy, làm tăng sự huy động và sử dụng glucose mà không lệ thuộc vào sự cung cấp oxy, tạo thuận lợi cho con đường pentose và duy trì tổng hợp năng lượng ở não. Ở người bình thường và ở người bị suy giảm chức năng, piracetam có tác dụng trực tiếp đến não để làm tăng hoạt động của vùng đoan não (vùng não tham gia vào cơ chế nhận thức, học tập, trí nhớ, sự tỉnh táo và ý thức), nên có tác dụng cải thiện khả năng học tập và trí nhớ. Cũng chính lý do này mà piracetam được coi là “thần dược” làm tăng trí thông minh nên đã lạm dụng.

Khi dùng thuốc cũng có thể gặp các triệu chứng toàn thân (mệt mỏi), tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, trướng bụng), khi dùng liều cao có thể gây rối loạn giấc ngủ. Thuốc chỉ nên được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với các bạn trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc nào, ngoại trừ do sợ thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, có thể dùng thuốc bổ cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, chẳng hạn, có thể dùng loại đa sinh tố (multivitamins) ngày 1 viên.

Ngoài thuốc các sĩ tử thường dùng nhất là cà phê, trà đậm, dùng panadol extra (vì trong đó có chứa caffein), hay vitamin C dạng sủi cũng là chất kích thích gây khó ngủ. Uống trà đậm, cà phê để chống buồn ngủ, thức khuya học bài là một thói quen sai nhưng lại khá phổ biến ở học sinh .

Nhưng theo các BS, cảm giác buồn ngủ, mỏi mệt là dấu hiệu tự nhiên của cơ thể đòi được nghỉ ngơi. Việc dùng trà, cà phê để tìm sự tỉnh táo đã làm rối loạn nhịp điệu sinh học của cơ thể. Sự mệt mỏi này khiến các em tiếp thu bài kém, thậm chí là “từ chối nhập dữ liệu”. Chính vì vậy, đã có nhiều trường hợp HS học thuộc bài nhưng vào lớp (hoặc vào phòng thi) lại không thể trình bày mạch lạc được, hoặc không còn một chữ nào trong đầu!

Những “loại thuốc” tốt cho trí nhớ không gây hại

Ăn uống đủ dinh dưỡng: Ăn uống đúng cách, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho HS có đủ sức khỏe chịu đựng được những áp lực trong thời gian tập trung cho thi cử.

Đặc biệt là HS không nên bỏ bữa ăn sáng. Ngoài hai bữa chính (trưa và chiều) cũng nên ăn thêm các bữa phụ vào khoảng 9 giờ sáng và 3 giờ chiều để vừa giải lao trí óc vừa nạp thêm năng lượng. Một ít đậu phộng, chén tàu hũ nước đường, một ít trái cây hoặc nước ép trái cây... đều rất tốt cho cơ thể. Sau mỗi bữa ăn cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút rồi mới bắt đầu vào học để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Giấc ngủ: thần dược đơn giản giúp bổ não. Đi ngủ sớm và dậy sớm để học bài là phương pháp học tập khá hữu hiệu, bởi sau khi nghỉ ngơi, cơ thể lấy lại sức lực, đầu óc tỉnh táo, minh mẫn hơn vì thế sẽ hiểu và nhớ bài hơn. Hơn nữa, khi đi ngủ trước 12 giờ khuya, HS sẽ hưởng được kích thích tố tăng trưởng tiết ra mạnh nhất vào lúc này, điều này có lợi cho sự phát triển hài hòa của cơ thể, nhất là chiều cao.

Điều đáng lo ngại là hàng năm, vào mùa ôn thi hay sau các kỳ thi, các BV tiếp nhận nhiều bệnh nhân là HS, đặc biệt ở các lớp chuẩn bị thi chuyển cấp và vào đại học đến khám. Từ áp lực học tập, tham vọng của cha mẹ, bệnh nhân thường bị rối loạn tâm thần như: gia tăng lo âu (không ăn được, bụng đầy hơi, bụng đau âm ỉ...), hốt hoảng, rối loạn giấc ngủ (giật mình khi ngủ, khó ngủ), nhức đầu, cáu gắt, lo lắng...

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment