Bác sĩ Phương mô phỏng cách hô hấp cứu trẻ bị hóc dị vật, ngưng thở.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương (Trưởng khoa cấp cứu, bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, trong một tháng qua, bệnh viện tiếp nhận hai ca hóc dị vật đường thở do trẻ ăn rau câu và ngã cắm đầu vào xô nước. Dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng cả hai bé đã tử vong do không được sơ cứu kịp thời khi gặp sự cố.
Trường hợp em bé bị cắm đầu vào xô nước mới 17 tháng tuổi ở vùng ven TPHCM. Đây là độ tuổi trẻ rất thích nghịch nước, vì vậy khi người lớn sơ hở là bé sẽ tìm đến các xô, lu đựng nước để chơi. Gặp các xô, lu nước không còn đầy, trẻ cúi đầu xuống chơi dẫn đến ngã cắm đầu vào xô.
Còn bé bị hóc dị vật do ăn thạch rau câu là bé trai 5 tuổi ngụ quận 10, TPHCM, trong lúc ăn rau câu do bé ngậm và hút rau câu quá mạnh khiến miếng thạch bị tuột thẳng xuống phổi làm nghẽn đường thở. Cả hai trường hợp đều được đưa vào bệnh viện cấp cứu quá trễ và không được sơ cứu đúng cách khiến các bé tử vong.
Theo bác sĩ Phương, nếu hóc dị vật đường thở và cắm đầu vào xô nước lâu sẽ dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Trong vòng 4 phút trẻ sẽ bị chết não và quá 10 phút sẽ không thể cứu chữa. Vì vậy, quan trọng nhất là khâu sơ cứu ban đầu tại chỗ.
Tình trạng trẻ bị nạn do hóc dị vật đường thở, cắm đầu vào xô nước tăng cao thời gian qua.
Bác sĩ Phương khuyến cáo phụ huynh gặp phải các trường hợp này cần phải vỗ lưng, ấn ngực… để tạo áp lực lồng ngực, đẩy dị vật ra ngoài.
Còn khi trẻ ngưng thở cần hô hấp nhân tạo liên tục kể cả trên đường đến bệnh viện.
“Trong quá trình đưa trẻ đến bệnh viện cũng cần phải liên tục hô hấp nhân tạo để cung cấp đủ oxy cho não hoạt động. Nếu quá 4 phút không được hô hấp thì rất khó cứu chữa”, bác sĩ Phương nói.
No comments:
Post a Comment