Trong cơ thể người dân sống tại sa mạc Atacama (Chile) có chứa các biến thể có khả năng giải độc thạch tín.
Đối với những người dân vùng Quebrada Camarones ở sa mạc Atacama (Chile) từ 7.000 năm trước, nước là một vấn đề vô cùng nan giải. Họ sống tại một trong những nơi khô cằn nhất trên thế giới với các con sông và giếng nước chứa nồng độ asen rất cao, nguyên nhân chính gây nên một loạt các vấn đề về sức khỏe.
Mức ô nhiễm asen ở đây vượt quá 1mcg/lít - mức cao nhất ở châu Mỹ và gấp hơn 100 lần giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Hầu như không có nguồn nước thay thế, vậy nhưng bằng cách nào đó, người dân nơi này vẫn sống sót hàng ngàn năm qua.
Chính áp lực chọn lọc tự nhiên đã làm cho cơ thể con người phát triển thích nghi với nó, đó chính là kết luận rút ra từ một nghiên cứu mới đây được công bố trên Tạp chí Nhân chủng học của Mỹ. Theo đó, cơ thể sẽ sử dụng một loại enzyme gọi là AS3MT kết hợp với asen rồi chuyển hóa thành hai hợp chất thạch tín hữu cơ ít độc hại, axit monomethylarsonic (MMA) và axit dimethylarsinic (DMA).
Nhà khoa học Mario Apata (Đại học Chile, Santiago) và các đồng nghiệp của ông đã xem xét các biến đổi trong mã gien AS3MT ở gần 150 người từ 3 miền đất nước. Họ phát hiện thấy các biến thể bảo vệ xuất hiện nhiều hơn ở những người đến từ Camarones với 68%, trong khi 2 khu vực còn lại là 48% và 8%. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy khả năng chuyển hoá asen cao chính là lý do giúp con người có thể thích nghi và tồn tại trong một môi trường chứa đầy thạch tín”, Mario Apata nói.
Các biến thể bảo vệ được gọi là những điểm đa hình đơn nucleotide (singlenucleotide polymorphisms, SNPs) đã làm thay đổi 1 cấu trúc ADN đơn của mã di truyền. Nhà nhân chủng học Lorena Madrigal (Đại học South Florida) cho biết đây là những đột biến nhỏ đến mức khó có thể tìm hiểu chính xác cách thức chúng ảnh hưởng đến các phân tử enzyme để hình thành tác dụng giải độc như thế nào.
“Vẫn còn một chặng đường dài để chúng tôi có thể hoàn toàn hiểu được cơ chế hoạt động của các phân tử kháng asen này”, Mario Apata nhận định.
No comments:
Post a Comment