Giòn xương vì corticoid
Bị bệnh gout 4 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Hải trú tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam luôn phải sử dụng thuốc để giảm cơn đau khớp. Nhất là về mùa đông, cơn đau khớp luôn hành hạ ông nên con trai ông mua thuốc của người quen ở bên Campuchia về cho bố uống.
Đang đau không đi nổi, gói thuốc chữa bách bệnh đã giúp ông Hải đi lại, không còn đau đớn nữa nên con ông tiếp tục mua về gửi cho ông uống lâu dài.
Ông Hải thấy thuốc tốt nên ngày nào cũng uống vào buổi tối. Ông Hải không biết thành phần của thuốc là gì, chỉ thấy đỡ đau hẳn, đi lại được là ông tin thuốc tốt. Vợ ông bị đau xương khớp do thoái hoá đốt sống cổ cũng dùng thuốc này. Cả hai vui vẻ vì không còn đau.
Gout tiến triển do lạm dụng thuốc nam
Gần đây, ông Hải hết thuốc mà con ông chưa mua được, chỉ hai tuần các ngón chân, ngón tay, khớp xương lai đau điếng, sưng đẫn lên. Ông Hải đến bệnh viện khám. Kết quả xét nghiệm bác sĩ cho biết ông bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid.
Nhìn kết quả trên, ông Hải không tin bởi lâu nay ông chỉ dùng thuốc nam thì làm gì có thành phần corticoid. Khi bác sĩ giải thích về việc thuốc nam bị trộn thành phần này vào giúp nhanh điều trị kháng viêm tốt, ông Hải biết mình đã sử dụng loại thuốc này một cách không hay biết gì.
Không chỉ riêng ông Hải, PGS Tạ Văn Bình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương - cho biết, hầu như ngày nào ông cũng gặp bệnh nhân đến khám là nạn nhân của thuốc có chứa corticoid.
Bệnh nhân Phan Thị Mai, 56 tuổi, Ứng Hoà, Hà Nội, cách đây ba năm đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ chẩn đoán thoái hoá khớp vai gáy và gối. Bà Mai đau nhiều. Mỗi lần đau bà lại đến một phòng khám tư tiêm và cứ như thế hơn hai năm nay bà tiêm liên miên.
Đến khi trên da xuất hiện các vết xung huyết, tuần nào cũng phải đi tiêm vì không tiêm không chịu được nên bà Mai đi khám lại. Qua đo mật độ xương, bác sĩ phát hiện bà bị loãng xương nặng, dù trước đó hai năm mật độ xương còn rất tốt. Bác sĩ nghi ngờ có thể bà tiêm thuốc có chứa corticoid quá nhiều gây nghiện, gây loãng xương.
Có mặt ở mọi loại thuốc
Theo PGS Bình, corticoid là hormone của vỏ thượng thận, chức năng chính là chuyển hoá đường, hay còn gọi glucocorticoid, giúp tăng cường chuyển hoá đường nên chống viêm, giảm đau mạnh. Nó được áp dụng điều trị giảm đau, chống viêm, chống các dị ứng với mức độ phù hợp.
Gói thuốc chữa bách bệnh mà ông Hải dùng.
Thông thường người ta thấy phản xạ của cơ thể khi bị stress, gluco Corticoid tiết ra nhanh. Đây là phản vệ bình thường của cơ thể.
Trong cơ chế giảm đau chống viêm, thậm chí sốc thuốc, sốc nhiễm trùng, nếu sử dụng đúng corticoid sẽ giúp cơ thể vượt qua cơn hiểm nghèo, cứu sống bệnh nhân.
Nhưng hiện tại, loại corticoid này đang được sử dụng quá mức, lạm dụng này do bệnh nhân tự mua thuốc để dùng, hoặc bởi những người thầy thuốc không có lương tâm
Theo PGS Bình, ảnh hưởng đầu tiên của corticoid là giảm đau, chống viêm nhưng người bệnh lại dùng quá mức thông thường như hơi đau xương khớp, hắt hơi cũng dùng.
Corticoid dùng bằng mọi đường, từ uống, tiêm, bôi qua da, thuốc tễ, trộn vào thuốc đông y để người bệnh uống. Những đối tượng hay dùng là người hay bị xương khớp, có bệnh mãn tính, bệnh tự miễn, tăng axit uric chống đau giảm viêm. Trong bệnh gout, chống đau giảm viêm khuyến cáo chống corticoid nhưng họ vẫn dùng khiến bệnh nặng lên như trường hợp của bệnh nhân Hải.
Lạm dụng corticoid, theo PGS Bình, có ba yếu tố cực kỳ nguy hiểm. Đó là nó gây nên hội chứng tăng đường máu sau dùng corticoid, gây bệnh đái tháo đường do corticoid.
Thứ 2: Gây hội chứng cushing biểu hiện của người thừa corticoid nhưng thực chất là người suy tuyến thượng thận do thuốc lâu ngày. Hội chứng này gây nguy hiểm.
Thứ 3: Gây ra giòn xương, dễ gẫy xương, bệnh lý về xương khớp.
PGS Bình nhấn mạnh, khi sử dụng corticoid cần cẩn trọng và phải có sự chỉ định của bác sĩ.
No comments:
Post a Comment