Các chuyên gia khuyến cáo, nên cho trẻ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để tránh mắc bệnh đái tháo đường. Ảnh minh họa
Trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh
Thống kê cho thấy, bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ đái tháo đường trên toàn thế giới có thể tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 - 2030). Đáng chú ý, trong vòng 30 năm trở lại đây, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở trẻ em đã tăng gấp 3 lần. Trong đó, đái tháo đường type 1 tăng 21% ở trẻ em và đái tháo đường type 2 tăng 30,5% ở trẻ trong độ tuổi từ 10-19. Mắc đái tháo đường trước độ tuổi vị thành niên sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc điều trị.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc về bệnh đái tháo đường của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong vòng 10 năm (2002 – 2012), tỷ lệ bệnh đái tháo đường đã tăng gấp 2 lần, từ 2,7% lên 5,4%, nhanh hơn so với mức tăng của thế giới. Hơn nữa, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán tại cộng đồng còn rất cao, lên tới 63,6%.
Theo TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Trước đây, bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở người 40 - 45 tuổi, thì nay các bác sĩ đã phát hiện bệnh này ở lứa tuổi học sinh. Theo số liệu thống kê, bệnh nhi trẻ tuổi nhất đã từng điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương là một trẻ 11 tuổi, trú tại Hà Nội.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trẻ em cũng có thể mắc đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em thường xảy ra khi cơ thể suy kiệt insulin (hormone kiểm soát lượng đường trong máu) dẫn đến tình trạng sút cân kèm nhiều biến chứng khác. Việc điều trị bệnh ở thể này nhất thiết phải bổ sung insulin và theo dõi lượng đường huyết. Còn đái tháo đường type 2 là loại thiếu insulin nhẹ hơn nhưng thường phát triển ở những trẻ bị thừa cân hoặc có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, ăn uống quá nhiều chất béo, nhiều đồ ngọt...
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, ở trẻ nhỏ, nếu uống quá nhiều sữa (khoảng 1 lít/ngày) kèm theo chế độ ăn dư thừa sẽ là nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì. Đây là nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường type 2. “Trẻ béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường cao, vì ở đối tượng này insulin sẽ không còn nhạy cảm dẫn đến tăng glucose trong máu và xuất hiện bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, vòng bụng to cũng là yếu tố gây ra bệnh đái tháo đường”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm giải thích.
Tập cho trẻ thói quen ăn uống khoa học
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, bệnh đái tháo đường giai đoạn sớm không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, có khi chỉ là mệt mỏi không rõ lý do, có khi là mắt nhìn mờ, đi khám sức khỏe mới phát hiện có glucose trong máu lúc đói cao. Ở giai đoạn muộn thì các biểu hiện điển hình của bệnh đái tháo đường ở trẻ em là trẻ khát nước nhiều hơn so với bình thường; thường xuyên mệt mỏi; đi tiểu nhiều lần trong ngày; nước tiểu hay bị kiến, ruồi bâu; đau bụng; sút cân nhanh chóng hoặc đôi khi có biểu hiện cư xử khác thường.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nhiều trường hợp trẻ không có những biểu hiện cụ thể như trên mà các triệu chứng xuất hiện rải rác hoặc các biểu hiện dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh thông thường khác. Do đó, phụ huynh cần lưu ý quan sát những dấu hiệu của trẻ để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh.
Đái tháo đường được xác định bằng cách thử đường huyết. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ đi thử máu định kỳ. Khi đã phát hiện mắc bệnh, với trẻ bị đái tháo đường type 1, cần duy trì dùng insulin để điều trị. Có trường hợp phải dùng insulin suốt đời. Bên cạnh đó, trong chế độ ăn hàng ngày cần hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, tinh bột và mỡ động vật.
Với trẻ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thì năng lượng, tinh bột trẻ ăn hằng ngày cần được tính toán chặt chẽ hơn. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày vì ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao; đồng thời cần thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.
Các chuyên gia cho biết, nếu không phát hiện và điều trị bệnh đái tháo đường kịp thời, nguy cơ tử vong ở trẻ là rất cao, nhất là đối với trẻ bị đái tháo đường type 1. Nguyên nhân là do, khi cơ thể trẻ thiếu insulin sẽ dẫn đến việc không thể sử dụng glucose để tạo ra năng lượng. Khi đó, cơ thể sẽ bắt đầu phá vỡ các mô khác để lấy năng lượng dẫn đến việc sản sinh ra các chất hóa học độc hại gọi là ceton. Sự tích lũy các hóa chất dạng này sẽ khiến cơ thể bị nhiễm acid, rất nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.
Ngoài ra, nếu điều trị bệnh đái tháo đường không đúng thì sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết. Tuy nhiên, não trẻ em luôn cần được cung cấp một lượng đường nhất định nên khi hạ đường huyết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não dẫn đến giảm trí thông minh và giảm thị lực ở trẻ.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, để hạn chế bệnh đái tháo đường ở trẻ em, cha mẹ cần có kế hoạch chăm sóc trẻ cẩn thận, nhất là cân đối trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Nên tuân thủ chế độ ăn nhiều rau và các loại quả, khuyến khích sử dụng các loại hạt họ đậu, các loại ngũ cốc. Nên ăn cá một tuần ít nhất từ 2 đến 3 lần. Trong chế biến, nên dùng dầu thực vật thay cho các loại mỡ rán có nhiều acid béo; hạn chế cho trẻ ăn nhiều các loại bánh kẹo ngọt giàu năng lượng cũng như các loại nước ngọt chế biến sẵn.
Đối với trẻ còn sử dụng sữa bột, nên chọn sữa ít béo, sữa đậu nành để tránh tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì. Cho trẻ ăn vừa phải, không ăn quá no trong mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, tập cho trẻ thói quen thường xuyên vận động, tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, hạn chế bệnh tật.
Những người dễ mắc đái tháo đường - Suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời. - Thừa cân, béo phì. - Những người ít hoạt động, tập luyện thể dục, thể thao. - Chế độ ăn không hợp lý. - Gia đình có tiền sử người mắc bệnh đái tháo đường. - Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. (Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) |
No comments:
Post a Comment