Wednesday, March 8, 2017

Ám ảnh chuyện mẹ đưa bạn gái 15 tuổi của con trai đi phá thai

Phụ huynh dẫn “bạn gái” của con trai đi phá thai

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – khoa Sản (Trung tâm Y tế lao động Thái Hà), người có hơn 30 năm trong nghề sản khoa cho biết, thực tế mỗi bệnh nhân đến phá thai là một hoàn cảnh, một câu chuyện khiến người thầy thuốc phải suy nghĩ.

Bác sĩ Dung chia sẻ rất nhiều cô gái chưa lập gia đình, thậm chí là học sinh đến năn nỉ bà làm thủ thuật phá thai. Đa số bệnh nhân là kết quả của những lần vụng trộm, các em thường đi đến bệnh viện cùng bạn gái, hoặc được chính người bạn trai đưa đi. Thậm chí có những trường hợp lại được chính mẹ của bạn trai dẫn đến phòng khám.

Trường hợp mà cho đến bây giờ BS Dung vẫn còn nhớ, đó là cháu bé ở Hải Phòng có thai với cậu bạn cùng lớp khi cả hai mới 15 tuổi. Người dẫn cháu bé đi không phải là người thân trong gia đình, mà chính là mẹ của bạn trai.

"Sau khi nghe bác sĩ tư vấn hết những nguy hiểm khi phá thai và cả mang thai đối với một đứa trẻ mới 15 tuổi, người phụ nữ này đã quyết định đưa cháu bé là bạn gái của con trai về. Chị ấy bảo chắc về làm đám cưới cho 2 đứa trẻ "vắt mũi còn chưa sạch" này", bác sĩ Dung nhớ lại.

Mẹ đưa con gái 13 tuổi đi phá thai chui

Là bác sĩ đầu ngành về sản khoa tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức (Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình) đã từng chứng kiến không ít ca phá thai, mà người thực hiện là những đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.

“Ngày xưa, từ phá thai không bao giờ được người dân và giới bác sĩ dùng tới vì việc làm đó được cho là tội lỗi, “táng tận lương tâm”. Nếu có những ca phải đình chỉ thai kỳ thì trường hợp đó phải rất đặc biệt, không thể giữ lại được.

Nhưng giờ đây, thuật ngữ phá thai không chỉ là câu cửa miệng, mà nó còn được quảng cáo nhan nhản ở lề đường, trên mạng. Đau xót hơn, không ít trường hợp đi phá thai vẫn ở cái tuổi “vắt mũi chưa sạch”, phải có bố mẹ đi kèm”, PGS Đức nhận định.

PGS Nguyễn Thị Hoài Đức chia sẻ với phóng viên về tình trạng nạo phá thai ở giới trẻ hiện nay.

Qua quá trình làm công tác sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, chính PGS Đức đã chứng kiến những em học sinh phải nhập viện cấp cứu vì tự ý phá thai.

“Tôi còn nhớ rất rõ cháu bé chưa đầy 16 tuổi có thai ngoài ý muốn. Vì sợ gia đình, bạn bè biết được nên tự ý mua thuốc về để phá thai. Tuy nhiên, do không có kiến thức, không được bác sĩ hướng dẫn nên đã bị băng huyết. Rất may là nhà cháu bé ở gần bệnh viện, nên mới kịp thời giữ lại được tính mạng”, PGS Đức chia sẻ.

Nhiều trường hợp đến nạo phá thai khi còn đang ở tuổi học sinh. Ảnh minh họa.

Theo PGS Đức, qua khảo sát và nghiên cứu của bà và các đồng nghiệp cho thấy, tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và đứng thứ 5 trên thế giới. Hàng năm, khoảng 300.000 nữ giới từ 12-19 tuổi phá thai, 20-30% ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% là sinh viên.

BS Đức cho rằng những con số thống kê cũng chỉ là ước lượng, trên thực tế, con số nạo phá thai còn cao hơn rất nhiều vì không thể thống kê những trường hợp thực hiện chui. Đáng lo ngại, tình trạng trẻ em gái ở lứa tuổi dưới 15 có nhu cầu phá thai ngày càng tăng.

“Chúng tôi đã từng gặp một em bé chưa tròn 13 tuổi, được mẹ đưa đến phòng khám tư để phá thai chui. Tuy nhiên, với tuổi đời quá nhỏ, thai đã lớn nên phòng khám không dám nhận, hai mẹ con lại dắt nhau vào bệnh viện phụ sản.

Thật sự, nhìn thấy những trường hợp như vậy, người làm nghề như tôi rất xót xa. Đứng trước tình huống đó, chúng tôi cũng phải suy nghĩ đắn đo rất nhiều, vì nếu không thực hiện thì cháu bé sẽ mất hết tương lai phía trước, mà thực hiện thì cũng rất thương vì cháu quá nhỏ”, PGS Đức cho hay.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment