Học giỏi mới đáng tự hào?
Đối với nhiều người, điểm 10 đều đặn tươi rói trên trang vở của con mới thực sự thỏa lòng mong ước của bậc làm cha mẹ. Họ đã làm rất tốt vai trò của mình khi dành nhiều thời gian để giúp con học hành chăm chỉ, hoàn thành bài tập và đạt được con điểm tròn trịa ấy. Biết rằng học là quan trọng, nhưng những việc mà họ đang làm liệu có phải là tốt nhất cho con?
Chị Thu Hà, biên tập viên của báo Hoa Học Trò, nổi tiếng với những bài viết về phương pháp giáo dục nhân văn và hiện đại, đã chia sẻ về một câu hỏi chị thường gặp từ các bà mẹ: “Làm sao khi con tôi chỉ thích thắng? Nếu hôm nào con bị điểm thấp là khóc lóc, chán nản. Chỉ là 1 trò chơi trong giờ học tiếng Anh thôi, nhóm của con bị thua là con đóng cửa phòng bỏ ăn!”.
Biết rằng học là quan trọng, nhưng những việc mà họ đang làm liệu có phải là tốt nhất cho con? (Ảnh minh họa)
Hay một câu chuyện khác từ bà mẹ nổi tiếng trong cộng đồng mạng vì "cấm" con học nhiều là chị Lê Phương Hoa, 46 tuổi, giám đốc Trung tâm UNESCO Phát Triển Bản Thân Life School. Chị Hoa chia sẻ trên trang cá nhân: “Sáng nay tình cờ đọc được một bài báo cũ được share lại về câu chuyện bà mẹ trẻ than thở cảnh con chỉ học và học, trẻ bị áp lực... ở trường, ở nhà ai cũng thấy là quá đúng.
Nhưng thế giới này có cái gì là không có vấn đề? Con người dù ở đâu cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác nhau, chẳng thế mà “người giàu cũng khóc”. Cái chính là cách ta lựa chọn để sống như thế nào với các vấn đề đó…
Hãy để con được chơi!
Đa số các bậc cha mẹ đang dạy con theo hướng rằng “Con chỉ cần học giỏi thôi” mà không nhận ra rằng, bé cần nhiều hơn thế. Chính định hướng này đã góp phần dẫn đến hệ quả là giới trẻ Việt Nam ngày càng thụ động, thiếu kỹ năng sống.
Thực tế cho thấy, trẻ em Việt được đánh giá thông minh, chịu khó, chăm chỉ học tập để làm ba mẹ thầy cô vui lòng. Điều này được kiểm chứng qua các kỳ thi học vấn trên đấu trường quốc tế, Việt Nam không thiếu trên danh sách bảng vàng. Thế nhưng, khi so sánh giới trẻ Việt Nam bên cạnh bạn bè cùng trang lứa của những quốc gia khác thì giới trẻ Việt năng suất thấp, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, dễ nản chí, không sáng tạo, nào là thể chất yếu ớt, thiếu vận động…
Chúng ta đổ lỗi hết cho các em mà không nhận ra rằng các em chỉ là nạn nhân của người lớn. Hàng tỷ lý do được các phụ huynh đưa ra như “Ai cũng cho con mình học vậy, tôi không cho con học sẽ thiệt thòi”; “Không chơi thể thao, con chẳng sao. Chỉ không học tương lai con mới thất bại”; hay “Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” rồi “Con tôi yếu, không thích chơi thể thao, nhà không có điều kiện”…
Chị Thu Hà cũng chia sẻ quan điểm của mình về câu hỏi chung của nhiều bà mẹ trên trang Facebook cá nhân cuối tuần qua: “…làm sao khi muốn con biết nỗ lực phấn đấu? Làm sao để con thua đừng tuyệt vọng? Làm sao để con biết giá trị của những giọt mồ hôi? Biết nỗ lực vượt qua những yếu đuối, nhút nhát của chính mình.
Cho con chơi thể thao là một trong các cách hiệu quả!
Chơi thể thao không chỉ để khỏe, mà chơi thể thao còn là học về giá trị sống một cách trực quan và hấp dẫn, hơn hàng trăm giờ thuyết giảng đạo đức.”
Chị Thu Hà đưa ra quan điểm kiên định của mình về lợi ích khi cho con trẻ chơi thể thao
Còn với trường hợp của chị Hoa, cách dạy con của chị trái ngược hẳn với nhiều bà mẹ hiện nay là cho con học trường làng, miễn là được gần nhà và sẵn sàng viết đơn gửi cho giáo cho con nghỉ học thêm để tập GYM.
Tâm sự của bà mẹ bắt con học ít thôi, chơi nhiều vào.
Chị cho biết: “Tôi ít khi chú ý xem con học thế nào. Chỉ hay bảo con đọc sách, xem phim, đi chơi thể thao. Bạn ấy rất thích chơi thể thao vì ... chơi thì không phải nghĩ mà vẫn phát triển tư duy, nghị lực, khỏe và học tốt hơn. Bằng chứng là bạn bơi giỏi, trượt băng giỏi, chạy khỏe, cao nhất trường, vui vẻ hiếu động suốt ngày”.
Trẻ con nên được học những điều như thế và phải được sống vui như thế!
Xem clip tại đây:
Bao nhiêu ba mẹ khi xem đoạn video này, thấy được hình ảnh của con mình trong đó?
Đừng nói với con rằng “con chỉ cần học giỏi thôi”, hãy cho con cơ hội để thỏa sức vươn xa mỗi ngày và trở thành nhà vô địch theo cách của riêng mình. Bên cạnh việc học, những thành tựu nhỏ khi rèn luyện thể thao mới thực sự cho con những khoảnh khắc vô địch.
No comments:
Post a Comment