Thạc sĩ Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh
Xuất hiện siêu vi khuẩn
Trước tình trạng lạm dụng kháng sinh như hiện nay, các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu chúng ta không vào cuộc thì đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người chết vì không có thuốc để điều trị.
Lạm dụng kháng sinh không chỉ gây ra tình trạng con người chết vì các bệnh do vi sinh vật mà còn là hiện tượng không có kháng sinh phù hợp chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn cho bệnh nhân khi phẫu thuật.
Theo báo cáo của Anh, nếu không có giải pháp kịp thời thì tình trạng kháng kháng sinh sẽ cướp đi sinh mạng của 10 triệu người mỗi năm, còn khủng khiếp hơn cả bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, nước ta đã ghi nhận những chủng vi khuẩn biến đổi gen và kháng với tất cả các loại kháng sinh. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao. Trong các cơ sở khám bệnh, 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%.
Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân ở nông thôn lên tới 91%, trong khi ở thành thị 88%. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến trung ương chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%, huyện là 45%.
74% bác sĩ kê đơn không đúng
Thạc sĩ Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết, kháng kháng sinh là vấn đề nan giải trên thế giới và cả Việt Nam. Nguyên nhân gây kháng kháng sinh hiện nay ở nước ta đó là bác sĩ còn lạm dụng kháng sinh.
Ông Thái cho biết, ở Mỹ hiện nay có tới 30% sử dụng kháng sinh không phù hợp, còn ở Việt Nam có nghiên cứu gần đây xác định 74% bác sĩ chỉ định kháng sinh, kê đơn kháng sinh không phù hợp.
Ảnh minh hoạ
Theo thạc sĩ Thái, để việc phòng chống kháng kháng sinh tốt nhất đó là cần có đội ngũ cán bộ y tế, bác sĩ có trình độ chuyên môn khám chữa bệnh giỏi, có kiến thức, phải thực hiện quy trình, hướng dẫn sử dụng kháng sinh rất nghiêm túc.
Ngoài ra, bác sĩ phải tránh được những tác động của cơ chế thị trường. Yếu tố về tác động của kinh tế, đặc biệt là lợi ích của người thầy thuốc khi họ đứng trước chất lượng điều trị, để có quyết định đúng đắn.
Ở các bệnh viện trung ương hay bệnh viện tỉnh có máy định danh vi khuẩn, có điều kiện làm kháng sinh đồ để xác định mức độ kháng thuốc. Nhưng bệnh viện tuyến huyện không có điều kiện làm kháng sinh đồ, test vi khuẩn. Khi người bệnh vào bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ chỉ hỏi và cách chẩn đoán theo kinh nghiệm chứ không có máy móc để giúp chẩn đoán chính xác. Điều này đã dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh.
Ngoài ra, người dân vốn đã quen cách tự sử dụng thuốc, tự chữa bệnh. Một phần do nhận thức hoặc một phần họ không có điều kiện để tiếp xúc với các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Việc sử dụng kháng sinh tràn lan cả trong khám chữa bệnh cũng như nuôi trồng thủy sản, vật nuôi khiến cộng đồng dễ lâm vào tình trạng kháng kháng sinh một cách bị động qua các chuỗi thức ăn. Hậu quả của tình trạng kháng kháng sinh là dẫn tới thời gian điều trị bệnh kéo dài, thậm chí nhiều căn bệnh sẽ không có thuốc chữa, chi phí điều trị cao, từ đó dẫn tới nguy cơ tái nghèo trong một bộ phận người dân.
No comments:
Post a Comment