Túng làm liều
Một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh hàng chục người lao vào túm tóc, tát, đánh một phụ nữ trộm chó tại xã Văn Giang (huyện Ninh Giang, Hải Dương) đã gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận. Theo đoạn clip, tuy đã có sự can thiệp của lực lượng công an xã nhưng người dân vẫn bức xúc, phẫn nộ lao vào đòi "xử" người phụ nữ trộm chó. Nhiều người sau khi xem xong đoạn clip đều bày tỏ thái độ bức xúc đối với hành vi trộm chó của người phụ nữ. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, việc hàng chục người lao vào vây đánh như thế là quá đáng. Một bạn đọc của Báo GĐ&XH chia sẻ: “Ăn trộm thì đã có pháp luật xử lý. Đàn ông đánh phụ nữ như thế có hèn quá không? Người ta cũng bị còng tay rồi chạy đâu cho thoát nữa mà lại đánh dã man như thế?”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết người phụ nữ trộm chó ấy là T.T.L (SN 1977, trú tại xã Hưng Thái, huyện Ninh Giang). Những ngày qua, L không dám đi đâu vì sợ dân làng hắt hủi, đàm tiếu.
L tại cơ quan công an. Ảnh: Đ.Tùy
Nhớ lại ngày hôm đó, L cho biết, sáng 14/10, khi L đưa các con đi học về đến đầu làng thì được người bạn rủ đi bắt trộm chó ở xã bên, L đã đồng ý và mượn xe máy của em dâu đến xã Văn Giang để thực hiện hành vi trộm cắp. Khi vừa bắt trộm được con chó thì chị này bị người dân phát hiện bắt giữ. “Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao hôm đó mình lại hành động như vậy. Chỉ vì nông nổi và thiếu suy nghĩ nên tôi đã gây ra chuyện, giờ nghĩ lại tôi thấy mình dại dột quá”, L nói.
Ông Nguyễn Quang Quân, Trưởng Công an xã Văn Giang cho biết: “Nhận được thông báo của nhân dân về việc bắt được một phụ nữ trộm chó, chúng tôi đã cử lực lượng dẫn giải về trụ sở để lấy lời khai. Tuy nhiên, do người dân bức xúc kéo đến quây trụ sở đòi “xử” chị L nên chúng tôi phải nhờ đến Công an huyện Ninh Giang về giải quyết”.
L bị đánh đập sau khi trộm chó (ảnh cắt từ clip).
Mẹ con không dám ra khỏi nhà
Tại cơ quan công an, L khai nhận, hiện L đã ly hôn chồng và đang sống với 3 đứa con. Do không có tiền đóng học cho 2 con lớn và tiền mua sữa cho con nhỏ nên L đã nghe theo lời xúc giục của bạn đi trộm cắp. “Những ngày qua, mẹ con tôi không ra khỏi nhà. Ruộng không có, nghề nghiệp cũng không nên phải ở nhờ nhà vợ chồng em ruột. Nhiều lần tôi đi xin việc làm nhưng không có nơi nào nhận vì bản thân không biết chữ. Tôi chỉ mong có một cơ sở nào đó nhận vào làm để có tiền nuôi các con ăn học và lo cuộc sống hàng ngày”, L nói.
L kể, mình là con trưởng nên chịu nhiều thiệt thòi khi không được đi học. Khi lớn lên, L chỉ biết làm bạn với sông nước, ao hồ để mò cua bắt ốc kế sinh nhai và nuôi các em ăn học. Đến tuổi trưởng thành, L gặp và lấy chồng quê huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Về nhà chồng, ngoài việc làm đồng ruộng, L vẫn đi mò cua bắt ốc và nuôi lợn gà để có thêm kinh tế lo cuộc sống hàng ngày.
Theo lời kể của L, trong 14 năm làm dâu, ngày buồn nhiều hơn ngày vui. Mọi việc xuất phát từ người chồng của L. Mong cuộc sống gia đình ấm êm nên L đã chịu đựng và bỏ qua tất cả. Năm 2009, L làm đơn li dị và về quê sinh sống. Để nương tựa khi về già, L đã đi “xin” 3 cháu nhỏ về nuôi nấng. Cháu lớn nhất nay đã được 6 tuổi, cháu thứ hai 5 tuổi và cháu thứ ba 7 tháng tuổi”.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng thôn nơi L sinh sống cho biết: “Từ ngày về quê đến nay, L không có nghề nghiệp ổn định và đang nuôi các con nhỏ nên có thể do thiếu suy nghĩ chị này đã hành động như vậy. Ở địa phương, L là người bình thường và không xảy ra mâu thuẫn với ai bao giờ”. |
No comments:
Post a Comment