Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 28 ca mắc virus Zika ở 7 tỉnh, thành phố. Trong đó, riêng TP.HCM đã ghi nhận có 21 ca mắc và 9 ca trong diện nghi ngờ tại 11/24 quận huyện. Đáng chú ý là có 4 thai phụ xét nghiệm dương tính với virus Zika, trong đó có một người đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Việt Nam đã ghi nhận trường hợp đầu tiên bị dị tật đầu nhỏ liên quan đến virus Zika ở tỉnh Đắk Lắk. |
Thai phụ TP.HCM lo lắng đi tầm soát virus Zika
Theo ghi nhận của PV, tại Bệnh viện Hùng Vương có nhiều phụ nữ mang thai cùng chồng đi tầm soát virus Zika.
Anh Phan Hoài Nhiên (ngụ quận 1) cho biết: “Tôi đưa vợ đi tầm soát bệnh từ lúc mang thai đến giờ đã sang tháng thứ 8. Khi tối đọc báo thấy số ca nhiễm virus Zika tại TP. HCM tăng, trong đó có phụ nữ mang thai nên chiều nay tôi thu xếp việc đưa vợ đi tầm soát lại lần nữa xem thế nào. Thấy mấy ngày nay cô ấy than mệt mỏi, đau đầu mà lo sao giống triệu chứng do bệnh Zika quá!”.
Một lát sau vợ anh Nhiên cầm tờ kết quả đi ra, hai vợ chồng thấy vui vẻ hơn khi nỗi lo về virus Zika không có. Hai vợ chồng đã yên tâm ra về, bác sĩ cho lời khuyên cần nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống bồi bổ để con khỏe mạnh. Lý do vợ anh Nhiên mệt mỏi, đau đầu là do suy nghĩ, làm việc khi mang thai.
Chị Tuyết Hạnh (35 tuổi, ngụ quận Tân Phú) khi được hỏi về bệnh do virus Zika, chị chia sẻ: “Cũng đọc báo đài nghe bệnh do virus Zika, có trường hợp cháu bé ở Tây Nguyên bị tật đầu teo nhỏ mà thấy sợ. Thế nên, nửa tháng trước được chồng chở đi khám rồi nhưng vẫn không an tâm mấy, hôm nay tôi đi khám lại xem thế nào!”.
Theo chị Hạnh, bác sĩ khám nói thai nhi khỏe mạnh, cần ăn uống, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Còn về bệnh do virus Zika, bác sĩ khuyên ngủ mắc màn cả ban ngày lẫn ban đêm, diệt loăng quăng, tránh bị muỗi đốt. Khi có triệu chứng nóng sốt, phát ban thì bệnh viện sẽ làm xét nghiệm.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, số lượt thai phụ đến bệnh viện khám bình thường, không tăng. Nhưng thai phụ nào cũng lo lắng hỏi bác sĩ về nguy cơ, triệu chứng khi nhiễm virus Zika. Để không dẫn đến quá tải, lo lắng cho thai phụ thì những trường hợp nào có triệu chứng nóng sốt, phát ban được khuyên lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát virus Zika.
Trong khi đó tại Bệnh viện phụ sản MêKông lúc 15h30 ngày 5/11, khu vực khám sản khoa, PV ghi nhận có khoảng 15 thai phụ đến đăng ký khám.
Chị Như (28 tuổi, ngụ quận 1) chia sẻ, chị đang mang thai được 4 tháng lại là con đầu nên chị khá lo lắng.
“Lo chứ, đọc báo thấy có cháu bị teo đầu nhỏ mà tội quá! Tôi cũng mới khám tầm soát vào tháng trước rồi nhưng hôm nay đi khám lại cho an tâm bởi biết bệnh này chưa có vắc xin”, chị Như nói.
Chung suy nghĩ như chị Như, nhiều phụ nữ khác đang mang thai khi PV hỏi cũng bày tỏ lo lắng về bệnh do virus Zika. Vậy nên, khi khám đều hỏi bác sĩ và được cho lời khuyên phòng chống trong suốt thai kì, đặc biệt là việc ngủ màn cả ban ngày lẫn ban đêm để phòng bị muỗi đốt.
Nhiều thai phụ Hà Thành vẫn còn chủ quan
Trái ngược với sự lo lắng của các bà bầu ở TP.HCM, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi được hỏi hầu hết các thai phụ còn rất chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh Zika.
Nhiều người, trong đó có cả thai phụ còn thờ ơ với virus Zika.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hà Đông – Hà Nội), đang đợi đến lượt khám thai cho biết, ngày nào chị cũng xem thời sự và thấy nói đến virus Zika. Lúc đầu chị Mai cũng lo lắng vì mình đang mang bầu, nhưng tìm hiểu kỹ thì virus này chỉ ở miền Nam, còn miền Bắc thì chưa có.
Khi hỏi về cách phòng bệnh, chị Mai chia sẻ: “Chẳng phải bây giờ, mà từ trước để phòng muỗi đốt tôi đi ngủ hôm nào cũng phải mắc màn. Trước thì có phun cả thuốc diệt muỗi, nhưng giờ đang mang thai nên tôi không phun”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các bà mẹ ai cũng biết về virus Zika, nhưng mọi người đều rất chủ quan trong cả nhận thức và phòng bệnh. Điều quan tâm của các thai phụ khi đi khám thai là con tăng được bao nhiêu kg, là con trai hay con gái…
Còn về phía bệnh viện, chia sẻ với phóng viên TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện đã nhận được sự chỉ đạo của thành phố và sở y tế về việc phòng bệnh do virus Zika, cũng như việc khám, xác định các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika.
TS Nguyễn Duy Ánh - GĐ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
“Đối với những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika khi đang mang thai, chúng tôi sẽ làm các xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành, đồng thời sẽ thường xuyên theo dõi xem thai nhi có bị dị tật đầu nhỏ hay không.
Trong trường hợp có thai phụ xác định chính xác bị virus Zika cũng như thai nhi bị dị tật đầu nhỏ, chúng tôi sẽ ngồi lại với gia đình. Từ đó các bác sĩ sẽ tư vấn và gia đình sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng”, TS Ánh cho hay.
Theo TS Ánh, ngoài việc tư vấn, khám, xét nghiệm cho thai phụ khi có nghi ngờ nhiễm virus Zika, bệnh viện cũng thường xuyên diệt muỗi, loăng quoăng, bọ gậy bằng cách phun hóa chất, giữ gìn vệ sinh…
“Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, phòng virus Zika ở cộng đồng là quan trọng nhất, vì thế việc truyền thông cho người dân hiểu và chủ động phòng bệnh phải đi trước một bước và ưu tiên hàng đầu”, ông Ánh chia sẻ.
No comments:
Post a Comment