Đó là trường hợp của chị Trần Kim S, 40 tuổi (ngụ tại TPHCM), theo chị S. thời gian gần đây mỗi lần đến ngày đèn đỏ lượng máu mất đi rất nhiều. Lo lắng có chuyện chẳng lành, chị S. đã quyết định đến khám tại một bệnh viện lớn tại TPHCM, tại đây chị S. được bác sĩ thông báo là có một khối u xơ tử cung 90mm chiếm toàn bộ tử cung và phần bụng dưới.
Khối u khoảng 90mm đã bị làm hoại tử hoàn toàn bằng MRI HIFU trên bệnh nhân u xơ tử cung kèm suy chức năng tim. Ảnh: Minh Đức
Các bác sĩ cho biết, đây là u xơ tử cung dưới niêm gây rong kinh nhiều và hiện tại chị đã bị suy tim, hở van hai lá nặng kèm thiếu máu mạn tính. Chị được tư vấn là cắt tử cung để tránh các biến chứng vì khối u đã quá lớn không thể bóc tách và các bác sĩ cảnh báo rủi ro gây mê do các vấn đề tim mạch của chị.
Cũng trong trường hợp tương tự là chị Lê Thị Mộng H, 44 tuổi, ngụ tại TPHCM cũng mắc u xơ tử cung dưới niêm với khối u xơ to 100mm vì chị không lưu tâm nên sau nhiều năm sống chung với bệnh chị đã bị biến chứng suy chức năng tim do nguyên nhân rong kinh gây mất máu mạn. Các bác sĩ đã tư vấn chị nên cắt tử cung triệt để vì khối u đã rất to và đã gây nhiều hậu quả xấu.
Tuy nhiên, cả chị H. và chị S. đều lo lắng về các rủi ro của phẫu thuật và gây mê nhưng vẫn muốn điều trị một cách triệt để vì bệnh đã gây nhiều hậu quả xấu.
Sự khác biệt của khối u xơ tử cung trước và sau điều trị MRI HIFU. Ảnh: Minh Đức.
Đứng trước tình thế trên, các bác sĩ đã tư vấn và khuyên người bệnh nên thực hiện phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn để tránh rủi do cho người bệnh. Sau khoảng 150 phút chiếu sóng siêu âm hội tụ các khối u của bệnh nhân đã được làm hoại tử hoàn toàn và người bệnh được ra viện ngay trong ngày thực hiện phẫu thuật.
Ths.BS Nguyễn Minh Đức, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, việc ứng dụng phương pháp không xâm lấn (MRI HIFU) là một bước tiến của y học sinh sản.
“Khi điều trị, bệnh nhân được đặt trên máy MRI ở tư thế nằm úp, bác sĩ điều khiển thiết bị phát sóng siêu âm khu trú cường độ cao tạo hiệu ứng nhiệt đốt tế bào bị bệnh dưới kiểm soát định vị bằng hình ảnh cộng hưởng từ. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như không gây chảy máu, bảo tồn hoàn toàn tử cung, không cần gây tê hay gây mê, quá trình phục hồi tốt sau từ 12 đến 24 giờ.
Bệnh nhân có thể nhanh chóng xuất viện và trở lại công việc thường nhật. Phương pháp này được cân nhắc khi bệnh nhân có những yếu tố bất lợi khác như bệnh lý tim mạch đi kèm hoặc bệnh nhân không thể đáp ứng được với phẫu thuật và gây mê. Dù vậy phương pháp này khá kén bệnh nhân vì giá thành cao mà chỉ có thể điều trị u xơ và lạc nội mạc tử cung nghèo mạch máu nuôi”, BS Đức chia sẻ.
Để tránh trường hợp như hai bệnh nhân trên, BS Đức khuyên chị em phụ nữ nên thường xuyên khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ung thư cổ tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư vú. Đừng nên xem nhẹ triệu chứng rong kinh, rong huyết và nên đi khám hoặc tầm soát thật sớm khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên.
No comments:
Post a Comment