Đa số người mắc ung thư gan ở VN đều ở giai đoạn muộn
Đa số ung thư gan đều được phát hiện ở giai đoạn muộn
GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cảnh báo, Việt Nam là đất nước có mầm bệnh ung thư gan đứng thứ 2-3 trên thế giới. Đa số người mắc bệnh thuộc trường hợp ung thư thứ phát. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ căn bệnh viêm gan siêu vi B (chiếm tỉ lệ 80% trong các nguyên nhân), bệnh viêm gan siêu vi C, xơ gan do uống rượu, bệnh gan nhiễm mỡ dẫn đến xơ gan (xuất phát từ căn bệnh béo phì), đái tháo đường…
Theo GS Nguyễn Bá Đức, ở Việt Nam, đa số người mắc ung thư gan đều được phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì thế, khi có những dấu hiệu mệt mỏi, sút cân, đau hạ sườn phải phải đi khám để kiểm tra sức khỏe.
PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cảnh báo, tỷ lệ tử vong do ung thư của đàn ông Việt nằm trong nhóm đầu tương đương một số nước khác, với hơn 142 ca tử vong trên 100.000 người. Đặc biệt, ung thư gan có liên quan nhiều đến rượu.
“Rượu là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, chất phoocmandehit trong rượu đã được chứng minh phá hủy dạ dày gây ra ung thư”, GS Thuấn nói.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K, thông thường đàn ông có thói quen uống rượu do tiếp khách hay thể hiện "bản lĩnh đàn ông". Đối với những người uống rượu cộng thêm việc hút thuốc lá còn có khả năng gây ra rất nhiều loại ung thư đặc biệt là ung thư gan. Tỉ lệ ung thư gan ở nam giới cao hơn là do hút thuốc và uống rượu nhiều.
Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, một số nghiên cứu cũng cho thấy, với các bệnh ung thư gan, người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu (1 đơn vị rượu bằng 40 Cc) một ngày có nguy cơ tăng khoảng 5 lần đối so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống. Thậm chí, người chỉ uống không quá một ly mỗi ngày cũng có nguy cơ cao hơn 20% so với người không uống rượu.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, ĐH Y Hà Nội phân tích, nguyên nhân gây nên u gan còn có thể do nhiễm ký sinh trùng sán lá gan hoặc áp-xe gan do vi khuẩn hoặc do lỵ amíp (nếu không điều trị kịp thời có thể bị vỡ rất nguy hiểm) hoặc nhiễm vi khuẩn lao (nang lao) hoặc do nguyên nhân di truyền, bẩm sinh.
Đối với ung thư gan ác tính thường do viêm gan virus (A, B, C, D, E), hoặc có thể do uống quá nhiều bia rượu làm xơ gan, cuối cùng là ung thư gan hoặc do ung thư ở cơ quan khác di căn đến gan hoặc có thể do bẩm sinh.
Cũng theo PGS Hậu, ung thư gan có thể do dùng một số thuốc không đúng chỉ định hoặc lạm dụng thuốc (ví dụ lạm dụng thuốc có chứa paracetamol...) hoặc do tiếp xúc nhiều với một số hóa chất độc hại (hóa chất diệt côn trùng, bảo quản thực vật, thực phẩm, thuốc kích thích tăng trưởng thực vật...).
Phòng chống bằng cách nào?
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu cho biết, đối với u gan lành tính, hầu hết người bệnh không thấy có biểu hiện, ngoại trừ u gan do sán lá gan hoặc do lỵ amíp. Với các bệnh này có thể đau tức vùng gan (hạ sườn phải), sốt, rét run, nếu có biến chứng do vỡ hoặc tràn vào cơ quan khác (cơ hoành, màng phổi...), triệu chứng sẽ rầm rộ hơn.
U gan ác tính thường ít có biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn đầu của bệnh. Vì vậy, hầu hết người bệnh không cảm nhận được, chỉ đến khi thấy đau hạ sườn phải (vùng gan) hoặc các biểu hiện mệt mỏi, sút cân, chán ăn, vàng mắt, vàng da, bụng trướng, phù... do bệnh đã ở vào giai đoạn cuối.
Muốn biết bệnh u gan, cần siêu âm gan, xét nghiệm chức năng gan (men gan), khi cần thiết có thể chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ gan. Nếu có điều kiện có thể chọc gan để thăm dò (áp-xe), sinh thiết gan (nghi u ác tính) để xét nghiệm tế bào.
Theo các chuyên gia, người bệnh khi được phát hiện có u gan, trước hết hãy thật bình tĩnh và nghe bác sĩ khám bệnh cho mình giải thích, tư vấn, nếu do áp-xe gan hoặc do sán lá gan cần điều trị sớm, nếu u gan lành tính, người bệnh không phải điều trị gì nhưng cần kiểm tra định kỳ. Với u gan ác tính, cần được điều trị (phẫu thuật, hóa trị...) tích cực càng sớm càng tốt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B và phòng ung thư gan, một trong những biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là tiêm phòng vắc-xin viêm gan B ngay khi còn là trẻ sơ sinh.
No comments:
Post a Comment