Chớ nên bỏ qua dấu hiệu phù của cơ thể vì bạn có thể mắc nhiều bệnh. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – Bệnh viện 103, phù là hiện tượng ứ nước ở trong các tổ chức dưới da hoặc phủ tạng. Cơ thể bị phù gồm có 2 dạng là phù mềm và phù cứng.
Phù cứng xảy ra thường là bệnh liên quan đến tuyến giáp. Phù mềm dễ phát hiện hơn, khi dùng tay ấn vào da trên nền cứng rút tay ra sẽ thấy chỗ dấu tay ấn bị lõm xuống.
Nếu bạn thấy cơ thể mình có dấu hiệu phù thì đừng nên bỏ qua vì đó có thể là một trong những biểu hiện của rất nhiều bệnh lý:
- Hội chứng thận hư: biểu hiện đặc trưng của hội chứng thận hư là phù toàn thân. Phù xuất hiện nhanh trong vòng vài ngày, phù trắng, mềm, ấn lõm, không đau, xuất hiện ở mặt sau đó lan ra toàn thân. Tiểu ít, có thể kèm tăng huyết áp, tiểu ra máu. Xét nghiệm cho thấy đạm thất thoát qua nước tiểu lớn hơn 3 g/24 giờ. Nếu không phát hiện sớm mà để lâu thì sẽ khiến tình trạng suy thận tiến triển nhanh hơn.
- Phù do bệnh suy tim: Tình trạng này sẽ càng nặng hơn theo tình trạng suy tim nặng nhẹ khác nhau. Phù do suy tim thường thấy ở chân, điển hình là ở mắt cá chân. Phù tăng về chiều và giảm về sáng sau ngủ dậy, được nghỉ ngơi thì phù giảm. Nếu bị suy tim mà ăn mặn, nhiều muối phù sẽ tăng lên. Vì vậy, khi xuất hiện triệu chứng này bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để điều trị kịp thời.
- Suy dinh dưỡng: Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng thường sẽ thiếu hụt 1 lượng protein lớn trong cơ thể dẫn tới lòng mạch không đủ lực kéo để giữ nước trong cơ thể gây nên hiện tượng cơ thể bị phù. Chủ yếu phù chi dưới, nhưng cũng có khi phù cả mặt, thân và tay. Đặc biệt phù của dinh dưỡng không có liên quan đến thời gian trong ngày, có nghĩa là phù gần như thường xuyên trừ khi có cải thiện được chất dinh dưỡng trong máu người bệnh. Phù dinh dưỡng thì khi xét nghiệm nước tiểu sẽ không thấy protein xuất hiện và xét nghiệm protein máu cho thấy lượng protein giảm rõ rệt (protid toàn phần trong máu ở người lớn, bình thường là từ 66-80 g/l).
- Bệnh gan: phù nề là một triệu chứng nổi bật của bệnh nhân xơ gan. Lúc đầu là phù hai chi dưới, về sau gan suy nhiều có thể bị phù toàn thân. Gan là cơ quan duy nhất sản xuất ra chất albumin. Khi gan bị xơ hoá, tổn thương sẽ không sản xuất được albumin khiến cơ thể bị phù do không thể giữ được nước.
Ngoài ra, phù toàn thân còn là biểu hiện gặp ở bệnh tê phù thể ướt (do thiếu vitamin B1); phù ở ngực và hai tay gặp trong hội chứng trung thất do tĩnh mạch chủ trên bị chèn ép; phù một chi thường phù một chi dưới do viêm tắc tĩnh mạch sâu, viêm mạch bạch huyết.
Phù cũng là một trong những biểu hiện của dị ứng và còn do nhiễm độc thai nghén. Một số thai phụ bị phù chân, tuổi thai càng lớn thì mức độ phù càng tăng. Phù thai nghén cần phải hết sức cẩn thận với nguy cơ bị sản giật.
Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện phù cần đưa bệnh nhân đi khám để xác định nguyên nhân gây phù và được điều trị thích hợp.
No comments:
Post a Comment