Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết sản phụ nêu trên đã mãn kinh 2 năm, xin noãn để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Trước khi điều trị, các bác sĩ khuyên người này chấp nhận việc không có con vì những nguy cơ cho thai do đã lớn tuổi. Tuy nhiên, chị vẫn quyết tâm và cuối cùng thì hạnh phúc cũng đã mỉm cười với người mẹ ấy. Con trai chị hiện đã được gần 1 tuổi.
Theo GS-TS Nguyễn Đình Tảo, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi - Học viện Quân y (Hà Nội), khả năng mang thai của phụ nữ chủ yếu liên quan đến hệ thống nội tiết và tử cung. Thông thường, phụ nữ sau 45 tuổi là đến giai đoạn mãn kinh, cơ thể suy giảm nhưng ngay cả trong giai đoạn này, nếu niêm mạc tử cung tốt, họ vẫn có thể xin trứng, làm thụ tinh trong ống nghiệm để có con. Thế giới cũng ghi nhận không ít phụ nữ ở độ tuổi 60-70 vẫn mang thai và sinh con.
Bộ Y tế từng khuyến cáo phụ nữ trên 45 tuổi không nên điều trị hiếm muộn để mang thai nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Y tế đã cho phép phụ nữ trên 45 tuổi hiếm muộn được quyền có con nhưng với điều kiện cơ sở y tế phải theo dõi, cân nhắc kỹ sức khỏe, khả năng mang thai của sản phụ… mới quyết định điều trị.
Về mặt khoa học, phụ nữ mãn kinh hoàn toàn có thể mang thai. Thế nhưng, các bác sĩ không khuyến khích những phụ nữ lớn tuổi, mãn kinh sinh con bởi nhiều rủi ro khi mang thai trong giai đoạn này như: sẩy thai, dị tật bẩm sinh, hội chứng Down, sinh non, sinh mổ, thai lưu… Hơn nữa, giới chuyên môn cho rằng việc thụ tinh nhân tạo ở phụ nữ cao tuổi rất khó khăn. Nhiều trường hợp tiêm tinh trùng vào trứng vẫn không thụ tinh, phôi không phát triển hoặc phát triển bất thường. Số liệu tại nhiều trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ta và trên thế giới cho thấy với những phụ nữ trên 40 tuổi, tỉ lệ thành công tương đối thấp - chỉ khoảng 16%.
Những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn thành hiện thực, kể cả các sản phụ cao tuổi, chồng bị liệt nửa người do đứt tủy sống, vợ có tử cung đôi… Dù vậy, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền cho rằng khả năng điều trị thành công thường cao hơn lúc người vợ còn trẻ, bởi sau tuổi 35, số lượng và chất lượng noãn giảm rất nhanh nên cơ hội thụ thai sẽ giảm dần.
No comments:
Post a Comment