Bài hát 'Chúng ta không thuộc về nhau' của Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt đã gây sốt nhiều chiều. Như nhiều bài hát trước đây của anh, cứ mỗi lần ra mắt là lại gây ồn ào, trường hợp này cũng không ngoại lệ.
Nghi án hay…?
Các diễn đàn âm nhạc, facebook, mạng xã hội… trong ngày 3/8 đã ngập tràn những ý kiến về bài hát mới của Sơn Tùng.
Theo đó, gần như tất cả các dòng ý kiến không nằm trong “phe” của ca sĩ này đều cho rằng bài hát Chúng ta không thuộc về nhau đã “đạo beat” ca khúc We don’t talk anymore, một bài song ca của Charlie Puth và Selena Gomez. Phần flaw (nhấn nhá và nhịp đọc rap) không khác mấy với so với bài Fire của nhóm BTS (Hàn Quốc).
Chưa kể cảnh quay của MV, cái thì giống G-Dragon của nhóm BigBang, cái thì tựa tựa Zico trong MV Eureka...
Một người nghe bình thường, chỉ cần nghe qua Chúng ta không thuộc về nhau và We don’t talk anymore là đã có thấy sự giống nhau, về beat, về dòng nhạc mà cả hai đang sử dụng: Tropical House (hay còn gọi là Trop House) với tiết tấu nhẹ nhàng, vui tươi.
Nhưng liệu có thể khẳng định Sơn Tùng đã đạo beat của bài hát kia?
Điều này thì lại hoàn toàn không thể. Bởi xét về tổng phổ thì cả hai bài hát đều không giống nhau, tuyến giai điệu cũng khó bị bắt bẻ vì không có những nốt nhạc bị giống đến 7 nốt. Phần beat vẫn khác, vẫn được làm lại không giống hoàn toàn bê nguyên từ ca khúc của Charlie Puth vào. Bên cạnh đó, vòng hòa âm giống nhau ở thể loại Trop House là chuyện được xem là bình thường.
Tuy vậy, khi nghe xong 2 bài này, cảm giác lại rất giống nhau, từ bố cục phát triển bài hát, cùng tông nhạc, đường đi giai điệu, cách phân khúc câu. Rồi những câu hát sắp xếp lại cũng cực kỳ giống.
Rõ ràng đây là cách mà Sơn Tùng chơi với lửa, vừa tự tạo ra những dư luận um xùm về tác phẩm mới của mình nhưng vẫn “sạch” khi không đủ chứng cớ để có buộc ca sĩ này đạo nhạc.
Dân trong nghề gọi cái này “đạo nhạc tinh vi”, vừa gây sốt lại vừa “trắng án” xét về mặt pháp luật. Còn ai muốn nói gì cũng được, lên án cũng được, thích thì càng tốt bởi Chúng ta không thuộc về nhau sẽ lại càng được chú ý nhiều hơn.
Các làn ranh mờ nhạt
Câu chuyện của Sơn Tùng sẽ làm nhiều người nhớ đến ca khúc Blurred Lines (Các làn ranh mờ nhạt) của cặp sáng tác Robin Thicke và Pharrell Williams. Đây là bài hit toàn cầu vào năm 2013 và đem về cho bộ đôi này hơn 16 triệu USD nhờ tiền bản quyền, chưa kể hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube.
Nhưng đến tháng 11 cùng năm, bài này đã bị gia đình của cố nhạc sĩ/ca sĩ Marvin Gaye kiện ra tòa vì đã “đạo ý tưởng” ca khúc Got to give it up của Marvin Gaye.
Vụ này có nhiều nét tương tự với trường hợp của Sơn Tùng và Charlie Puth khi có nhiều điểm chung giống nhau về phong cách. Bài hátBlurred Lines rất giống Got to give it up ở những đoạn bass, keyboard và một phần giai điệu. Cho dù phía Robin Thicke và Pharrell Williams ra sức chứng minh mình vô tội, không hề sao chép, cuối cùng Tòa cũng tuyên án 2 nghệ sĩ này phải trả cho gia đình Marvin Gaye số tiền 7 triệu USD thiệt hại.
Những sẽ rất khó có phán quyết kiểu vậy ở Việt Nam khi mà trong nhiều năm qua, tình trạng “đạo nhạc tinh vi” khá phổ biến nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu.
Cái khó nhất ở đây là việc ra văn bản xử phạt - khi chẳng ai có thể chỉ ra những vấn đề chuyên môn và gọi được thẳng tên sự việc. Vì thế, nhiều sáng tác mới dù dính nghi án đạo beat, đạo nhạc vẫn cứ tiếp tục “lọt sổ”.
Và dù chuyện này có thể cũng sẽ chẳng đi tới đâu nhưng nó cho thấy một cách làm việc không thật sự chuyên nghiệp, khi sự sáng tạo không được đề cao.
Sơn Tùng là một nghệ sỹ trẻ, tài năng. Nhưng việc anh cứ men theo giữa những tranh luận để viết nhạc gây dư luận nhiều chiều như vậy có phải là cách của một người chuyên nghiệp? Nhiều người trong giới sáng tác cho rằng Chúng ta không thuộc về nhau là một sự cố tình tạo dư luận nhiều hơn là “đạo beat”.
Đi trên dây là một nghệ thuật và không phải ai cũng giữ được thăng bằng đến phút cuối cùng. Sơn Tùng cũng vậy thôi.
No comments:
Post a Comment