Hữu Châu có thể thoải mái ngồi ăn 1 chén tàu hũ lề đường, 1 xiên thịt nướng vỉa hè, thích nhậu phá lấu bò cùng một đám học trò "loi nhoi" hơn là diện vest đến những sự kiện ồn ào.
Hữu Châu đến sớm hơn giờ hẹn, tôi đoán thế, vì đúng 10 giờ 30 tôi có mặt tại sảnh cà phê khách sạn Liberty Sài Gòn theo giờ hẹn thì chén trà anh uống đã vơi đi phân nửa.
Hữu Châu diện một chiếc quần bò, áo thun sọc ngang màu cà rốt đậm, đội mũ lưỡi trai và đeo kính, tất nhiên khi tôi tới, mũ và kính đã được tháo ra để trên bàn trà.
Tôi cố ý miêu tả lại cuộc gặp hôm đó với anh để độc giả cảm nhận được con người Hữu Châu ngoài đời là như thế nào. Thì ra một nghệ sĩ ưu tú con nhà nòi về nghệ thuật, một nghệ sĩ nổi tiếng trong một gia đình làm nghệ thuật nổi tiếng lại bình thường và giản dị đến thế!
Khi tôi tới, anh còn cầm điện thoại nhắn tin nói chuyện với ai đó nhưng theo phản xạ của một người lịch thiệp, anh ngẩng đầu cười chào lại tôi và tắt điện thoại để qua một bên, chuẩn bị cho cuộc trò chuyện.
Anh nhìn tôi và mở đầu: "Anh sẽ trả lời mọi câu hỏi của em, ngoại trừ những cái chết, những chuyện buồn trong gia đình anh, chuyện hôn nhân và không đánh giá về người khác. Anh rất ngại báo mạng nên cần nói trước với em là anh không thích kiểu giật tít gây sốc, câu views. Anh có thế nào, viết về anh thế đó, anh cám ơn!".
Bao nhiêu câu hỏi trong đầu tôi dự tính sẽ "truy sát" anh lập tức tắt ngúm. Nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi vẫn được bắt đầu một cách tự nhiên với đủ thông tin thú vị.
Làm nghề này, ai cũng ham nổi tiếng
Hữu Châu nói rằng, làm nghề này ai cũng ham nổi tiếng vì chỉ có nổi tiếng mới sống được. Nhưng ở tuổi của anh, người diễn viên cần lòng tự trọng, cần sự tôn trọng của khán giả đối với mình, cần sự tôn trọng của anh em đồng nghiệp đối với mình.
Muốn có được điều đó, anh phải tôn trọng người ta trước! Đó là điều anh đã và luôn làm cả trong nghề cũng như trong đời!
Hữu Châu may mắn vì những người trong gia đình là tấm gương để anh soi vào, làm gì phải biết mắc cỡ với họ, mắc cỡ với nghề nên bây giờ bảo anh ra sân khấu diễn hời hợt, diễn cho có, anh không làm được.
"Nếu nói thương khán giả thì sáo quá. Nhưng anh không hời hợt khi bước ra sân khấu được vì anh ăn cơm tổ quá nhiều. Anh ăn cơm tổ từ trong bụng mẹ nên anh không thể đùa giỡn với cái nghề của chính anh, cái nghề của dòng họ anh.
Nghề này cho anh tất cả những gì trên đời này! Người nuôi anh chính là khán giả. Nghề cho anh sung sướng, hạnh phúc, biết sẻ chia, sống biết cái gì nên làm cái gì không nên làm.
Cái nghề này ngộ lắm, mỗi một vai diễn giúp anh hoàn thiện hơn, nó cho anh là người của công chúng, đi tới đâu cũng được người ta biết.
Nhưng khán giả là những người cho anh cái áo anh mặc, bình trà anh ngồi uống bữa nay với em. Mỗi đêm anh hát, mỗi đêm anh diễn, anh lãnh lương từ chính những tấm vé khán giả bỏ tiền ra mua.
Tổ nghề là ơn, khán giả là nghĩa thì không thể nào ra sân khấu mình hời hợt được hết. Anh đi đóng phim cũng vậy nữa, khi vô vai diễn nào, anh cũng hừng hực hừng hực lửa, anh diễn không bao giờ kêu mệt. Mình hưởng được những điều đó thì mình phải trả lại chứ", Hữu Châu chia sẻ.
Quyền biến trong sự chân thành
Hữu Châu là diễn viên ở Idecaf đã nhiều năm nay nhưng anh còn là thầy giáo dạy bộ môn Tiếng nói sân khấu ở lớp đào tạo diễn viên của bà bầu Hồng Vân và nghệ sĩ Minh Nhí tại Super Bowl.
Trước khi gặp Hữu Châu, tôi đã nghe nhiều người nói rất tốt về anh. Có những người anh chưa từng dạy họ buổi nào cũng tự nguyện gọi anh tiếng "thầy" một cách trân trọng. Chuyên gia make-up Phi Phi từng nói với tôi rằng, anh coi nghệ sĩ Hữu Châu là thầy của mình trong cuộc sống, trong cách đối nhân xử thế.
Tôi không nói với anh điều này, tôi hỏi anh về công việc... làm thầy!
Hữu Châu kể: "Khi đi dạy, anh thấy mình phải có trách nhiệm với học trò. Anh không chỉ dạy về chuyên môn, trên facebook, anh thấy chúng nó đăng cái gì tầm bậy tầm bạ là anh la luôn.
Cái đó là tự anh muốn làm chứ không ai bắt buộc. Anh muốn cuộc đời chúng nó tốt, không nghiệt ngã như cuộc đời tụi anh. Anh muốn tụi nó khôn khéo, quyền biến trong sự chân thành để sống trong nghề này...".
Hữu Châu đi dạy học "vui lắm", đó là từ anh dùng. Đứng lớp 5, 6 năm nhưng giờ ngồi cộng lại số tiền đi dạy... không dư một cắc, thậm chí còn thâm vào túi tiền riêng của anh nữa.
Lương dạy học của anh mỗi tháng được hơn 2 triệu. Cuối tháng lãnh lương, được bao nhiêu anh dắt học trò đi ăn hết.
Hữu Châu nói: "Anh nghĩ, muốn học trò nghe mình trước hết mình thương nó thiệt đi. Mình thương nó thiệt, dù mình la nó, nó cũng nghe. Đa số học trò thương anh lắm.
Có những đứa không có tiền đóng học, không đi học là bỏ nghề rồi. Anh nhìn thấy nó có những yếu tố làm diễn viên được, đi thêm rủi nó được việc thì sao... Anh lãnh lương được 2 triệu mấy, anh gọi nó lại đưa hết để nó đi đóng học phí.
Mà không phải mình nó đâu. Mấy đứa rồi. Tại sao anh làm điều đó, anh xác định đi dạy trước hết là niềm vui của anh, sau là vì anh muốn truyền nghề, rủi mai mốt mình có làm sao thì cũng đã để lại được ít nhiều những gì mình biết...".
Hữu Châu đang ấp ủ kế hoạch mở một lớp đào tạo diễn viên miễn phí cho khoảng 15 người yêu nghề này. Anh bảo, anh muốn làm điều đó không vì mục đích gì cao sang, anh làm vì vui và để lúc nào rảnh thì có đứa chở thầy đi vòng vòng nhậu chơi, tiền nhậu thầy trả.
Không vũ trường, không "gái gú"
Gia đình có 3 anh em trai nhưng số phận sắp xếp chỉ còn mình anh ở lại chăm sóc mẹ già. Người anh lớn, diễn viên múa Thanh Hải ra đi lúc tuổi đời còn rất trẻ trong một chuyến lưu diễn miền Bắc khi chưa kịp nổi tiếng. Em trai anh, nghệ sĩ Hữu Lộc cũng không ở lại sau một tai nạn giao thông năm 2010.
Hữu Châu kể: "Nói gì thì nói, anh cũng là con người, cũng ham chơi, cũng thích nhậu nhẹt nhưng anh bỏ hết những thứ đó gần 10 năm nay rồi.
Anh vũ trường không biết, gái gú không biết. Đi hát mắc cái bệnh hút thuốc, thích uống bia nhưng không uống la cà ngoài đường.
Tối đi diễn về, uống vài lon, coi ti vi trước khi đi ngủ. Vì đi về thì bà già anh chờ cửa. Má anh lớn tuổi rồi, trong gia đình không còn ai hết chỉ còn mình anh là con trai nên má anh sợ lắm. Anh không muốn má anh thức khuya.
Làm gì làm, trước 12h anh có mặt ở nhà. Trừ trường hợp đi quay, có nhích qua chút xíu, anh gọi về nhà để má đừng lo.
Khi đi quay, anh cũng nói ráng giúp dùm anh đừng quay khuya quá. Anh quay khuya, má anh đâu chịu ngủ, cứ nằm salon ở dưới phòng khách chờ bằng được anh về để mở cửa mới chịu đi ngủ.".
Đó là những ngày phải làm việc. Ngày nào không quay, không diễn, anh lại hẹn học trò đi nhậu nhưng chưa bao giờ đi quá 11h đêm.
Hữu Châu bảo, bạn bè anh đều là những người chơi mấy chục năm. Anh không thích kết bạn nữa. Gặp người quen mới, cũng quý người ta nhưng không như hồi xưa đi chơi đi nhậu. Anh muốn thu mình lại. Điều anh cần nhất bây giờ là sức khỏe và niềm vui.
Đi phim, Hữu Châu được các diễn viên trẻ rất quý là vì anh hòa đồng, không phân biệt. "Anh em trong nghề, mình thương người ta, người ta cũng thương mình để khi lớn tuổi nhớ nhau mà đến thăm nhau là vui rồi", Hữu Châu nói.
Trong mắt Hữu Châu, mọi chuyện trên đời nói vô thường thì hơi quá, vì anh không phải nhà tu nhưng nói "phù du" thì anh chịu.
Những cuộc vui chân thành bao giờ cũng có mặt anh còn để rần rần chứng tỏ gì đó thì không bao giờ anh tới.
Anh không đi sự kiện, dù họ cũng mời anh. Tên tuổi anh như thế, lẽ nào không được mời. Nhưng anh từ chối hết. Tối ngày anh thích đi chơi với học trò và những người bạn thân.
Anh thích sống như thế!
Gia đình dòng dõi nghệ thuật "đệ nhất" miền Nam
Hữu Châu sinh ra trong một gia đình dòng dõi nghệ thuật. Gia đình anh có 3 cái nhất của cải lương miền Nam do khán giả, ký giả (nhà báo) và người trong nghề phong tặng.
Bà nội anh, bà bầu Nguyễn Thị Thơ được phong là đệ nhất bầu. Cô ruột anh, cố nghệ sĩ Thanh Nga là đệ nhất đào. Người chú thứ 6 của anh, nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc được tôn đệ nhất danh hài.
Ngoài những nghệ sĩ nổi tiếng ấy, nhà anh là một trong số rất ít gia đình mà các thành viên đều làm về nghệ thuật hoặc các công việc liên quan đến nghệ thuật trải qua 4 thế hệ.
Ông nội anh, nghệ sĩ Năm Nghĩa có giọng ca rất hay và đàn cũng giỏi. Nghệ sĩ Năm Nghĩa là người có công cải biến Dạ cổ hoài lang thành nhịp 8, làm tiền đề để người ta chuyển thành bài vọng cổ như bây giờ cho ca dễ hơn.
Ông bà nội anh sinh được 9 người con, tất cả đều làm nghề trong chính đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga của gia đình.
Ba anh, nghệ sĩ Hữu Thìn cũng đi hát nhưng ông nổi tiếng trong vai trò một ngoại vụ giỏi (người làm tiền trạm cho đoàn hát).
Hồi xưa có mấy chục đoàn hát, mỗi đoàn đều có người làm tiền trạm cho đoàn đi diễn. Ngày đó, các rạp hát xoay tour với nhau. Nhờ tài ngoại vụ của ba anh, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga được hát ở rạp lớn, nhiều suất diễn trong ngày.
Ngày hôm đó, có đoàn khác khai trương nhưng họ phải hát rạp nhỏ, ít ghế và chỉ có suất tối. Người làm ngoại vụ đoàn đó tới nói chuyện với ba anh, ba anh nhường đoàn đó hát rạp lớn để đoàn mình hát rạp nhỏ hơn.
"Ba anh đi đâu cũng được việc hết. Ông có tài ăn nói, đẹp trai, phóng khoáng và tốt với anh em bạn bè ngoại vụ. Những người làm ngoại vụ ngày đó nói rằng, ba anh là người làm ngoại vụ giỏi nhất", Hữu Châu kể.
Đặc biệt, nghệ sĩ Hữu Thìn còn giỏi các nhạc cụ tây, trống dù không chơi chuyên nghiệp.
Mẹ anh, nghệ sĩ Thanh Lệ cũng đi hát. Bà nổi tiếng với vở "Bọt biển" của soạn giả Nguyễn Phương. Sau này nghệ sĩ Thanh Lệ rút về lo cho gia đình nhiều hơn.
Theo lời kể của Hữu Châu, chú út anh là nghệ sĩ Chí Tiên (vừa mất cách đây vài tháng) tuy không nổi tiếng nhưng với những người trong nghề, ông là người đi đầu trong việc làm mão, phục trang tuồng ngày xưa ở Sài Gòn.
Hồi xưa, phục trang cải lương đều được mua từ Hong Kong, sau này không mua vì không còn qua lại nên phục trang rất cũ.
Trong thời gian cải lương thoái trào, chỉ quay video... các đoàn rất cần phục trang mới, nghệ sĩ Chí Tiên là người suy nghĩ, dùng những cọng kẽm nhỏ, xâu từng hạt châu làm mão, vương miện.
Ông còn khéo tay vẽ ra những bộ phục trang tiểu thư, công chúa... có hình rồng phượng. Nhiều người học theo và sau này phát triển thành một nghề ở TPHCM.
Tới thế hệ thứ 3, theo nghề chỉ còn Hữu Châu, Hữu Lộc, Thanh Hải (vừa làm âm thanh vừa làm diễn viên múa), Hà Linh con nghệ sĩ Thanh Nga, Hồng Loan con nghệ sĩ Bảo Quốc.
Tới thế hệ thứ 4 nổi lên có Gia Bảo và Gia Vũ đang chập chững đặt tiếp những viên gạch đầu đời với nghiệp diễn của gia đình, dòng họ.
Nghệ sĩ tử tế
Có lần, Hữu Châu đóng 1 nhân vật trong "Dạ cổ hoài lang.". Một khán giả ngồi coi hơi tựa lưng ra sau. Không phải tuồng dở hay làm biếng mà vì mải thưởng thức họ quên.
Đến lớp diễn đó, Hữu Châu đứng ngay trước mặt họ, khán giả đó ngồi ngay trở lại. Chỉ có những khán giả tôn trọng diễn viên mới làm như thế. Hữu Châu bảo: "Anh nhìn hình ảnh đó, anh cám ơn lắm….".
Anh kể tiếp: "Có những khán giả lớn tuổi yêu mến cô Thanh Nga và đến bây giờ yêu mến anh.
Có 1 bà khán giả mất rồi.
Bà ấy yêu mến cô Thanh Nga từ lúc đi làm công cho người ta, làm gì làm với 1 điều kiện, cứ 6h phải cho bà ấy đi coi kịch tới 11h bà ấy về. Tối nào cũng vậy, đoàn hát ở đâu cũng vậy, trừ trường hợp đoàn hát ở xa quá thì thôi.
Tối nào cũng thế, bà ấy đến ngồi đúng ghế đó. Khi cô Thanh Nga mất, giỗ cô Thanh Nga suốt 10 năm, năm nào bà ấy cũng đến. Mỗi lần tới, bà ấy càng già đi, càng yếu đi. Sau này, bà ấy không còn đến nữa thì anh hiểu bà ấy mất rồi.
Cô Thanh Nga mất gần 40 năm nhưng giỗ năm nào trên mộ cô cũng có hoa hồng. Hoa đó không phải của khán giả cùng thời đi xem cô Thanh Nga mà là của khán giả cỡ tuổi em. Họ lập cả facebook về cô Thanh Nga.
Cái đó có thể xem là cái nhất trong gia đình anh không? Một nghệ sĩ mất gần 40 năm rồi còn được khán giả thương như thế. Ngày giỗ cô Thanh Nga, các em ấy mặc áo in hình cô Thanh Nga và kéo nhau lên mộ.
Tài liệu về cô Thanh Nga họ sưu tập hết. Thậm chí họ có đầy đủ không thua gì gia đình anh. Thậm chí họ có những cái gia đình anh không có.
Một bà bán chuối chiên mà cô Thanh Nga hay ăn, khi cô mất, bà ấy nghỉ bán chuối chiên mấy ngày theo lên chỗ quàn quan tài, ở đó tới lúc động quan, đi theo xe khóc. Họ thương cô anh đến mức độ như thế.
Có một anh khán giả yêu thích những vở và vai diễn của cô Thanh Nga, đến giờ vẫn thân với gia đình anh.
Anh nghĩ, ông tổ thương gia đình anh quá. Cái cảm giác cô anh sau khi đóng một vai được khen, được yêu thích đến giờ anh cũng đã trải được với những vai diễn của anh.
Gia đình anh truyền nhau cảm xúc đó. Gia đình anh không chỉ tiếp nối nhau làm nghề diễn viên mà còn tiếp nối nhau hưởng cái hạnh phúc của người diễn viên."
90 phút trò chuyện với nghệ sĩ Hữu Châu kết thúc quá nhanh. Nếu không vì cái hẹn với nghệ sĩ Bạch Long lúc 12h, có lẽ... câu chuyện giữa chúng tôi còn dài.
Biết tôi chuẩn bị đến gặp Bạch Long,.
Hữu Châu bảo "Vị ấy dễ thương và đúng giờ lắm. Em cho anh hỏi thăm người đó nhé"!
Nhận lời hỏi thăm, Bạch Long cười rất tươi. Thì ra, trong giới nghệ sĩ vẫn có những nghệ sĩ tử tế... biết cười khi nhắc đến tên nhau!
No comments:
Post a Comment