Sau hơn 2 tháng lấy mẫu cá trong các kho đông lạnh trên địa bàn để xét nghiệm, Sở Y tế Hà Tĩnh vừa công bố một số mẫu cá mín, cá hồng, cá xước tre, gai xồ, gai nhỏ, cá mu… có hàm lượng cadimi vượt giới hạn cho phép khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng.
Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là tại sao sau khi lấy mẫu tại các kho này, cơ quan chức năng lại không niêm phong? Số hải sản tại các kho vẫn tiếp tục được bán ra thị trường, hậu quả ai chịu?
Chậm trả kết quả: Viện Kiểm nghiệm không biết?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho hay, ông vừa có chuyến công tác từ Hà Tĩnh về Hà Nội. Việc báo phản ánh cá tại các kho này được bán gần hết, Cục sẽ vào cuộc kiểm tra.
TS.Nguyễn Thanh Phong cũng cho hay: “PV đã thu thập được thông tin xác thực thì chuyển tài liệu và công văn sang sang Cục. Chúng tôi sẽ trả lời và làm rõ vấn đề báo nêu”.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, sau khi có kết quả trả lời của Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia, Chi cục ATTP - Sở Y tế Hà Tĩnh phối hợp với Chi cục Nông, Lâm, Thủy sản và Hải sản - Sở NN & PTNT Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và đại diện của các cơ sở có kho đông lạnh được lấy mẫu đã niêm phong số hải sản bị nhiễm còn lại chờ xử lý.
Tuy nhiên, trước thông tin này, dư luận đặt câu hỏi, công tác xét nghiệm mẫu thực phẩm hiện nay với trang thiết bị hiện đại, tại sao sau hơn 2 tháng mới công bố kết quả? Ai chịu trách nhiệm trước việc xử lý kết quả chậm này?
Các điểm bán thủy sản sạch ở Hà Tĩnh đắt khách (Ảnh: Internet)
Để làm rõ thông tin này, PV đã liên hệ với Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP Quốc gia (Bộ Y tế). Trao đổi qua điện thoại, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP Quốc gia khẳng định: “Việc lấy mẫu thủy sản để kiểm nghiệm còn tùy thuộc vào từng loại mẫu, thủy sản đó được lấy ngoài biển hay trong kho. Về vấn đề lấy mẫu để xét nghiệm có rất nhiều chỉ tiêu”.
Khi PV hỏi: “Nếu xét nghiệm một chỉ số hàm lượng Cadimi thì cần bao lâu?”, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo cho hay: “ Điều đó còn phụ thuộc và thời gian gửi mẫu nữa. Thời gian kiểm nghiệm chỉ mất một ngày (24 tiếng đồng hồ làm liên tục - PV). Điều quan trọng, còn phụ thuộc vào số lượng mẫu là bao nhiêu, chất lượng máy, thiết bị nữa…”.
Với một tiêu chí cụ thể là Cadimi, thời gian xét nghiệm là 24 tiếng đồng hồ, PV đặt câu hỏi tại sau các mẫu được Chi cục ATTP - Sở Y tế Hà Tĩnh lấy mẫu gửi ra Viện kiểm nghiệm lại mất hơn 2 tháng mới có kết quả thì PGS.TS.Lê Thị Hồng Hảo nói rằng: “Cái gì? Tôi có biết gì đâu?!”.
Cadimin rất nguy hại đến sức khỏe người dùng
Liên quan đến câu hỏi mà dư luận băn khoăn, liệu thủy sản có chỉ số cadimi vượt ngưỡng có ảnh hưởng đến sức khỏe, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Đức Thịnh – Viện Giám định Pháp Y tâm thần (Bộ Y tế).
Theo PGS.TS.Phạm Đức Thịnh, cadimi là một loại kim loại nặng, thường được dùng trong công nghiệp sơn, sản sản xuất hợp chất của pin, chất dẻo…
Cadimi cũng giống như các loại kim loại như: chì, thủy ngân nên cũng có thể gây bệnh tương tự như độc tố của các kim loại nặng đó. Khi vào cơ thể, cadimi thường vào qua đường hô hấp, thực phẩm… và tích tụ chủ yếu ở thận và xương.
Khi tích tụ ở những bộ phận này, nó gây nhiễm các hoạt động của một số enzim. Độc tố của cadimi làm tăng huyết áp, ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, rối loạn chức năng thận và có thể phá hủy tủy xương, ảnh hưởng nội tiết, máu, tim mạch.
Chợ hải sản sản an toàn nhộn nhịp khách (Ảnh minh họa)
Cũng theo PGS.TS.Phạm Đức Thịnh, hiện ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về nhiễm độc từ cadimin. Theo WHO, tiêu chuẩn Cadimin cho phép trong nước là 0,003mg/lít, khi nồng độ cao hơn, tất nhiên sẽ gây ra sự nhiễm độc cho cơ thể người.
“Theo thông tin mà Báo Người Đưa Tin cung cấp về chỉ số mà Viện Kiểm nghiện ATTP Quốc gia (Bộ Y tế) công bố từ các mẫu cá được lấy từ Hà Tĩnh để xét nghiệm thì được tính theo kg, ngưỡng cho phép là 0,1mg/kg.
Thế nhưng, kết quả đưa ra mẫu thấp nhất là 0,064mg/kg và cao nhất là 1,49mg/kg (cao hơn từ 2- 4 lần). Nếu cá nhiễm cadimin này được tiêu thụ ra thị trường, người sử dụng sẽ bị ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe”, PGS.TS.Thịnh phân tích.
Hải sản được lấy mẫu xét nghiệm tại kho đông lạnh Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh (Ảnh minh họa)
PGS.TS Thịnh cho rằng, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ có hay không việc chậm trễ công bố kết quả gây bức xúc dư luận. Với thông tin cá nhiễm cadimi vượt ngưỡng cho phép ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Trao đổi với PV, TS.Nguyễn Công Khẩn, nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho hay: “Quy trình để kiểm nghiệm thủy sản rất chặt chẽ. Tùy thuộc vào các chỉ số xét nghiệm mà thời gian dài hay ngắn. Theo tôi được biết, lấy mẫu thủy sản để kiểm nghiệm, bộ NN & PTNT có một quy trình riêng, có hẳn một bộ quy chuẩn”.
No comments:
Post a Comment