1. Có sự lừa dối
Đây là điều quá hiển nhiên. Bất kỳ sự phản bội nào cũng là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn đang có vấn đề. Nhà tâm lý học Natalie Moore nói: "Nếu giữa bạn và người bạn đời đang tồn tại một sự lừa dối, dù là về thể xác hay tình cảm, tài chính… thì hãy tìm sự tư vấn từ gặp các chuyên gia tâm lý gia đình”.
"Một chuyên gia có thể tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc trò chuyện đúng nghĩa giữa hai người chứ không phải là một trận chiến toàn những tiếng la hét hoặc lạnh lùng lặng im”, Moore cho biết.
2. Thời gian khó chịu nhiều hơn là vui vẻ
Nếu bạn nhận thấy sự khó chịu, phiền toái xuất hiện nhiều hơn là vui vẻ trong đời sống vợ chồng, hãy cẩn thận bởi mối quan hệ này nguy cơ không tồn tại được lâu.
Nhà tâm lý hôn nhân và gia đình Carrie Krawiec đưa ra một vài ví dụ về “tương tác tiêu cực” bao gồm những lời chỉ trích và các cuộc tấn công đối phương, phòng thủ, khinh thường, thường xuyên sử dụng các từ "phải luôn" hoặc "không bao giờ", tìm cách đổ lỗi, đả kích, bóng gió nhau, ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện trên khuôn mặt thể hiện sự khó chịu…
3. Gặp khó khăn khi nói chuyện với nhau
Nói chuyện thoải mái, không có bí mật là chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp, vì vậy bạn không nên ngạc nhiên khi thấy khó khăn trong cách giao tiếp, trò chuyện cùng nhau lại là một lý do để tìm đến các chuyên gia tư vấn chuyện vợ chồng. Moore nói rằng việc tìm kiếm tư vấn "giúp tạo ra một không gian, môi trường an toàn mà cả hai bên đều cảm thấy thoải mái và có thể trao đổi một cách trung thực, thẳng thắn với nhau."
Cuộc nói chuyện giữa 2 người đang có vấn đề thường xảy ra theo các hình thức phổ biến sau: Trường hợp thứ nhất, một trong hai người hoặc cả hai không còn thiết tha tranh luận với nhau, mỗi người một góc với đôi mắt dán chặt vào điện thoại, máy tính, đắm chìm trong thế giới riêng của mình. Tình huống phổ biến thứ hai là một hoặc cả hai người đều có phong cách hiếu chiến, la hét, quát nạt, giọng điệu khắc nghiệt và đưa ra những cáo buộc khiến không thể có một cuộc trò chuyện tử tế với đối phương.
4. Không còn thiết tha việc tranh luận
Theo nhà tâm lý học Sarah Allen, một khi vợ chồng không còn tranh luận thì vấn đề vẫn sẽ chưa được giải quyết. "Cuộc hôn nhân tốt đẹp là khi bạn vẫn cảm thấy cần đầu tư để giải quyết các khúc mắc và khiến cho nó biến mất. Còn nếu các cặp vợ chồng không còn tranh luận, không phải là họ yêu nhau đến mức không bao giờ có xung đột, bởi không có ai hợp nhau đến mức luôn cùng chung quan điểm về mọi thứ, mà vì họ không còn hứng thú với mối quan hệ này".
5. Có những mục tiêu khác nhau cho tương lai
“Nếu 2 người có những ý tưởng rất khác nhau về những gì sẽ diễn ra trong tương lai, đây có thể là dấu hiệu của sự rạn nứt", Moore nói. Lúc này, hãy bình tĩnh suy nghĩ và tìm cách cứu vãn cho cuộc hôn nhân của mình hoặc tới gặp một chuyên gia tư vấn.
6. Ít “chuyện ấy”
Mặc dù sự hấp dẫn về sex đã giảm dần sau khi kết hôn nhưng không có nghĩa là “chuyện ấy” trở nên nhạt nhẽo và biến mất. Bất cứ mâu thuẫn nào dẫn đến việc phá hủy đời sống tình dục đều dễ dẫn đến đổ vỡ, bởi sex là một phần không thể thiếu của đời sống vợ chồng.
7. Không vui vẻ khi ở bên nhau
Quá nhiều mối quan tâm khác như con cái, công việc, trách nhiệm khiến các cặp đôi có thể quên đi khoảng thời gian riêng tư bên nhau. Tuy nhiên, sẽ là vấn đề nếu trong các cuộc trò chuyện dù chỉ ngắn ngủi ấy thiếu đi những tiếng cười.
Hãy thử lên lịch để cùng làm một cái gì đó vui vẻ bên nhau. Và nếu điều đó cũng không cải thiện được tình hình, bạn nên chú ý bởi đó có thể là dấu hiệu xấu.
Nhiều người cho rằng ăn trứng sống có thể cải thiện "chuyện ấy". Sự thực có đúng vậy không?
No comments:
Post a Comment