Sau hơn 4 năm chạy chữa cùng với muôn vàn khó khăn phải trải qua trong thời kỳ mang thai, ngày 1/5, chị Trương Thị Hà (sinh năm 1978, ở Thanh Hóa) đã hạ sinh một bé trai với cân nặng 2,7kg.
Bé được bố mẹ đặt tên là Lê Trương An Phúc, với hy vọng sau này con trai sẽ có cuộc sống bình an và hạnh phúc. Đến nay, sau gần 2 tháng chăm sóc, con trai chị Hà đã được hơn 4kg.
Chị Hà cho biết, để được làm cha, làm mẹ, cả hai vợ chồng chị đã phải qua biết bao gian truân, vất vả, thậm chí không ít lần nước mắt chị đã rơi vì tiếc nuối.
Chị Hà, anh Năm đã vượt qua chính mình để có được hạnh phúc như ngày hôm nay.
Thậm chí, ngay cả quyết định mang bầu, sinh con, chị Hà cũng thừa nhận đó là việc làm vô cùng liều lĩnh. Tuy nhiên, “Đặt trong hoàn cảnh của tôi, nếu không liều thì chẳng có được ngày hôm nay”, chị Hà chia sẻ.
Theo đó, chị Hà và chồng là anh Lê Văn Năm (sinh năm 1984, cùng quê Thanh Hóa) đều bị liệt cả hai chân. Cuộc sống từ nhỏ đến giờ của cả 2 luôn phải gắn liền với chiếc xe lăn.
Chính vì thế, khi hai anh chị đến với nhau, rồi quyết định có con, cả hai gia đình rồi bạn bè ai cũng khuyên ngăn. Nhưng rồi, vợ chồng anh Năm, chị Hà vẫn quyết định phải sinh một đứa con để bầu bạn khi về già.
Hai vợ chồng chị Hà luôn lạc quan dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Khi đưa ra quyết định, hai vợ chồng đi khám sức khỏe sinh sản, khi đó mới phát hiện anh Năm bị hiếm muộn, không thể có con tự nhiên. “Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn quyết định sẽ tiến hành thụ tinh nhân tạo”, chị Hà cho biết.
Nói là làm, hai vợ chồng khăn gói ra Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội kiểm tra và quyết định sẽ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm tại đây. Tuy nhiên, khi nhìn thấy hai vợ chồng các bác sĩ cũng dè chừng và cân nhắc “có nên làm hay không?”.
“Tôi đã gặp rất nhiều ca vô sinh hiếm muộn và tôi hiểu những khó khăn mà họ phải trải qua. Vì thế khi gặp vợ chồng chị Hà chúng tôi cũng phải đắn đo, suy nghĩ và giải thích với người bệnh rất nhiều.
Qua vài lần tiếp xúc, tôi thấy sự quyết tâm và niềm mong mỏi có con của hai vợ chồng chị Hà là rất lớn. Chính vì thế chúng tôi đã đồng ý tiến hành thực hiện”, BS Lê Thị Hiền, PGĐ Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ.
BS Hiền kể lại giây phút gặp vợ chồng chị Hà đến viện để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau lần đầu chuyển phôi thất bại, vợ chồng chị Hà vẫn kiên trì chờ đợi cơ hội và cuối cùng may mắn đã mỉm cười với hai vợ chồng. Được biết, trong lần lần thực hiện thứ hai, vợ chồng anh Năm, chị Hà chuyển 4 phôi và đã đậu 1 phôi.
“Đối với bất kể người vợ nào, khi nhận được tin có bầu đều hạnh phúc và tôi cũng vậy. Nhưng cùng với hạnh phúc đó là hàng loạt các khó khăn đi kèm.
Trong suốt thời gian mang bầu, tôi dường như không hoạt động gì và trong đầu lúc nào cũng lo nghĩ. Ở 3 tháng đầu thì chỉ lo bị sảy thai, còn những tháng sau đó thì lại lo lắng bị đẻ non. Qủa thực, đến khi cháu chào đời tôi mới tạm thở phào nhẹ nhõm”, chị Hà chia sẻ.
Đó là chưa kể, những lần đi kiểm tra sức khỏe thai kỳ, rồi cả lần mổ đẻ, không chỉ người nhà lo lắng, mà chính bác sĩ cũng phải “vã mồ hôi”.
Trong quá trình mang thai, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chồng chị Hà luôn ở bên động viên và là chỗ dựa vững chắc để chị vượt qua tất cả.
“Tôi đi khám đâu phải như những người bình thường. Lần nào cũng phải 2 nhân viên y tế nhấc lên giường bệnh để siêu âm. Rồi hôm đi đẻ cũng vậy, khi có cơn chuyển dạ bác sĩ phải mổ ngay, ấy vậy mà sau đó tôi vẫn phải nằm viện cấp cứu mất gần 1 tuần vì những ảnh hưởng khi phải “mang thai ngồi””, chị Hà nhớ lại.
Sau bao nhiêu vất vả khó khăn, chia sẻ về cảm xúc khi nghe tiếng con khóc chào đời và được ôm con vào lòng, chị Hà nghẹn ngào: “Lúc đó tôi không gì diễn tả được cảm xúc, miệng tôi cười mà nước mắt cứ thế tuôn rơi”.
Dù hai vợ chồng rất hạnh phúc, nhưng với điều kiện khiếm khuyết về mặt hình thể nên quá trình chăm con, chị Hà gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. “Tôi không dám ngồi xe lăn bế con, mà chỉ suốt ngày ngồi trên giường và nhiều khi cũng không dám liều vì lo con ngã không phản ứng kịp”, chị Hà chia sẻ.
Được biết, hiện hai vợ chồng chị Hà đã ra ở riêng, ban ngày hai vợ chồng bán hàng tạp hóa, buổi tối tranh thủ kiếm tiền trên mạng online. Do bị tật nguyền nên chị Hà phải thuê người cùng phụ giúp trông em bé.
No comments:
Post a Comment