Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, từ đầu tháng 5 tới nay, Sở vẫn tiếp tục kiểm tra và lấy mẫu măng luộc, cải chua kinh doanh tại TP phân tích tìm chất vàng ô để kịp thời khuyến cáo người tiêu dùng.
“Tuy nhiên, cho tới nay cơ quan chức năng chưa phát hiện chất vàng ô trong sản phẩm nói trên tại các chợ đầu mối. Do vậy, người tiêu dùng đừng quá lo lắng khi sử dụng măng luộc, cải chua” - bà Cúc chia sẻ.
Sức tiêu thụ giảm 40%-50%
Trao đổi với PV, ông Tùng - tiểu thương kinh doanh măng trên đường Nguyễn Thị Sóc, ấp Mỹ Hòa 4, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn cho biết măng luộc ông kinh doanh có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm tra nhưng không phát hiện sử dụng màu. Để chứng minh, ông Tùng đưa chúng tôi xem kết quả xét nghiệm các mẫu măng.
“Thông tin măng tươi ở Nghệ An và TP Đà Nẵng nhiễm chất vàng ô hơn tháng qua khiến việc kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng trầm trọng. Hiện lượng măng luộc bán ra không bằng 1/3 so với trước đây” - ông Tùng buồn bã.
Măng luộc, cải chua có nguồn gốc từ các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Tiền Giang tại chợ đầu mối Hóc Môn chưa phát hiện chứa chất vàng ô. Ảnh: TRẦN NGỌC
Tương tự, ông Chín cũng buôn bán măng, cải chua ở vựa C11, chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết nguồn măng của ông lấy từ Bình Thuận. Tuần vừa qua phân tích do Sở NN&PTNT TP.HCM thực hiện cho kết quả an toàn. “Nhưng do tin đồn lan truyền măng chứa chất vàng ô, số lượng bán ra giảm từ 40% đến 50% so với trước, dù đã giảm giá gần 30%” - ông Chín thở dài.
Trong khi đó, bà Ka Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), cho biết đa số bà con cư ngụ tại địa phương là người Châu Mạ, nguồn sống chính là vào rừng lấy măng rồi luộc, sau đó bán cho tiểu thương ở TP.HCM. “Bà con dân tộc không biết dùng hóa chất, măng luộc xong chỉ thêm muối để bảo quản lâu. Thế nhưng do sức tiêu thụ ở TP.HCM giảm nên măng luộc của bà con trong xã tồn đọng khá nhiều, ảnh hưởng không ít đến cuộc sống” - bà Ka Hiên nói.
Cách phân biệt măng ngâm chất vàng ô
Làm thế nào để phân biệt măng sạch và măng chứa chất vàng ô? Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, cho biết: Khi mua măng người tiêu dùng cần chú ý, măng nhuộm vàng ô có màu vàng rất bắt mắt, khi ngâm vào nước, nước sẽ ngả màu vàng; với măng tươi thì hơi giòn, dễ gãy; khi ngâm có mùi hăng và không có vị chua. Còn măng sạch thường có màu vàng hơi thâm, ít bắt mắt, ngả xám; măng có độ dai, ít bóng; măng có mùi thơm nhẹ, nước măng luộc có vị hơi chua.
“Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM đã có buổi làm việc với các tiểu thương kinh doanh măng trên địa bàn TP và tất cả cam kết không sử dụng vàng ô để ngâm măng. Chi cục cũng hướng dẫn sử dụng bột nghệ để làm vàng măng nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, lại giúp những người trồng nghệ bán được sản phẩm” - bà Thoa nói.
TRẦN NGỌC
Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), vàng ô (auramine O) là chất nhuộm màu công nghiệp. Chất này bị cấm dùng trong thực phẩm vì gây dị ứng cho mắt, độc hại khi tiếp xúc với da, dị ứng da, dị ứng hệ hô hấp. Vàng ô đã được cảnh báo trong một số nghiên cứu vì có thể phá hủy ADN trong tế bào gan, thận và tủy xương. Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp chất này vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao.
Trong đợt kiểm tra vào giữa tháng 4-2016, Sở NN&PTNT TP.HCM phát hiện 4/4 mẫu măng luộc có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Nông đang kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền chứa chất vàng ô với hàm lượng 2.300 µg/kg. Sở cũng đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh này truy tìm nguồn gốc măng luộc chứa chất cấm nói trên.
Bà HUỲNH THỊ KIM CÚC, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM
No comments:
Post a Comment