Các nghệ sĩ đến lúc nên có trách nhiệm với công việc bằng cách đáp ứng đứng lịch trình làm việc mà mình đã đồng ý để không chỉ không ảnh hưởng đến những người khác mà còn mang lại hình ảnh đẹp.
Văn hóa tham dự sự kiện của các nghệ sĩ trong showbiz từ trước đến nay luôn là vấn đề được công chúng dành nhiều sự quan tâm. Nếu như trước đây, đề tài sao Việt bỏ về sớm khi tham dự sự kiện được lên tiếng gay gắt, thì trong một sự kiện gần đây, nhiều nghệ sĩ xuất hiện muộn đến mức khi chương trình bắt đầu mới thấy họ xuất hiện, tiếp tục trở thành đề tài để dư luận chỉ trích.
Một khách mời tham dự sự kiện này cho biết, một số nghệ sĩ đến trễ nhất là Angela Phương Trinh, Diễm My 9X, Hoa hậu Mai Phương Thúy, Hoa hậu Kỳ Duyên... "Khi chương trình thông báo bắt đầu, tôi thấy họ mới được người trong ban tổ chức đưa vào ghế của mình ở hàng đầu", anh nói.
Một nữ nghệ sĩ đã lên tiếng trên trang cá nhân của mình, bày tỏ những bức xúc khi cô phải đợi hai tiếng đồng hồ để đợi sự kiện bắt đầu, dù đã đến đúng giờ ghi trên thư mời. Bản thân là người trong nghề, cô cũng nhận định nhiều nghệ sĩ trẻ có thói quen vô tư đến trễ vào giờ chót chỉ để mình được chú ý như một ngôi sao hạng A.
Bệnh ngôi sao
Vấn đề đi trễ không chỉ nằm ở câu chuyện của ngày hôm qua, mà vốn dĩ nó đã trở thành một thói quen, một "căn bệnh" muôn thuở từ trước đến nay. Từ chia sẻ ở góc nhìn người trong nghề của nữ nghệ sĩ trên, có thể thấy rằng việc các ngôi sao khách mời cố tình đến cuối tại những sự kiện để làm vedette không còn quá xa lạ trong showbiz. Tuy vậy, văn hóa này có thể xem là một lối ứng xử không đẹp, một lối ứng xử dù ai cũng biết rõ nhưng không có nhiều người muốn điều chỉnh cho đúng. Dần dần, điều này trở thành một thói quen mà mọi người hay gọi là "bệnh ngôi sao".
Thông thường thói quen xuất phát từ cách xài "giờ dây thun" của những người làm việc thiếu chuyên nghiệp. Họ giữ suy nghĩ "đến trễ một chút cũng không sao", hay "mình không có trách nhiệm với diễn biến chương trình nên tới trễ cũng không ảnh hưởng đến ai". Chính vì thế mà các nghệ sĩ thường ỷ lại, chỉ biết chăm chút cho hình ảnh của bản thân thật lộng lẫy mà không cần quan tâm đến sự có mặt trễ giờ của họ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh chương trình ra sao. Cố tình đến trễ để được xem như ngôi sao hạng A là sự thiếu chuyên nghiệp trong công việc khó chấp nhận ở nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay.
Trên thế giới, có thể thấy các nghệ sĩ ở bất kỳ thứ hạng nào đều giữ nguyên tắc làm việc chính xác thời gian, thậm chí là chấp hành đúng lịch trình từng giây từng phút. Bởi họ ý thức được tầm quan trọng khi mình là một phần của cả một tập thể lớn, biết đặt việc chung lên trên và đặc biệt là lên kế hoạch làm việc chu đáo, quý trọng thời gian làm việc để tạo uy tín tên tuổi cho mình. Đó là cách họ thành công.
Lấy ví dụ như trường hợp khi các sao thế giới đến Việt Nam ở những năm gần đây, đặc biệt là các nhóm nhạc nổi tiếng như SNSD, 2NE1... Họ tuy là những ngôi sao được nhiều người săn đón, chờ đợi, nhưng lịch trình làm việc luôn được đảm bảo chính xác một cách chặt chẽ. Thậm chí khi máy bay vừa đáp xuống là phải đến ngay sân khấu diễn tập, tiếp tục mở họp báo, chuẩn bị cho đêm biểu diễn mà không có chút thời gian nghỉ ngơi. Tất cả diễn ra chuyên nghiệp mà không có sự sai sót nào nhờ tuân thủ đúng nguyên tắc làm việc. Và có lẽ chính vì cách làm việc đó, khán giả và những người làm nghề mới nhìn nhận họ ở vị trí ngôi sao hạng A chứ không nằm ở thái độ "bệnh ngôi sao" như các nghệ sĩ trẻ khác đang suy nghĩ.
Nhà tổ chức nếu cần thiết có thể thẳng thắn mời những người đến muộn ra về
Đặt ngược lại câu hỏi, ở Việt Nam, liệu tại thị trường giải trí nói riêng và tất cả mọi công việc nói chung, những người tổ chức đã thực sự khắt khe với việc đến trễ của những khách mời hay chưa, hay họ vẫn chấp nhận cho hành động giờ dây thun và coi nó như một thói quen? Để rồi từ đó dẫn đến sự lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp và dây dưa giờ giấc, kéo theo người ung dung đến muộn, kẻ vô tư về sớm trong sự kiện. Tất nhiên, hiện nay dễ thấy nhiều người có thói quen xem giờ giấc in trên thư mời chỉ là con số trừ hao.
Như vậy, nên chăng những người tổ chức chương trình nên ý thức được việc phải đảm bảo một lịch trình thật chặt chẽ như cách làm việc của ê-kíp nước ngoài. Thậm chí nếu cần thiết có thể thẳng thắn mời những người đến muộn phải ra về để tránh ảnh hưởng hình ảnh chung và cho họ thấy được tầm quan trọng của sự kiện mà mình tổ chức.
Trên thực tế, điều nay không hiếm thấy với cách hợp tác của nhà sản xuất với các ngôi sao, thậm chí là hạng A tại nước ngoài. Trường hợp của siêu mẫu Miranda Kerr là một ví dụ. Năm 2013, cô từng bị mời khỏi buổi trình diễn của Louis Vuitton trong khuôn khổ Paris Fashion Week vì đến muộn. Thiên thần Victoria's Secret tỏ ra lúng túng và buộc phải quay trở lại xe, rời khỏi sự kiện.
Anh Đ. - một phóng viên ảnh bức xúc chia sẻ về vấn nạn đến trễ và "bệnh ngôi sao" của nghệ sĩ Việt: "Nếu các bạn được mời thì hãy vinh dự và đến đúng giờ, vì chúng tôi còn phải chạy show (nếu có). Nhiều khi đợi các bạn đến đủ để chụp hình thì chúng tôi phải phóng xe điên cuồng trong những giờ kẹt xe cuồng loạn đấy. Thiếu ảnh các bạn chúng tôi bị khiển trách, đến trễ show khác thì lại càng tệ hơn. Hãy thương nhiếp ảnh chúng tôi mà đến đúng giờ, hoặc thông báo ở nhà luôn nếu chắc chắn không thể đến kịp sự kiện".
Trong khi đó, một người trong ngành truyền thông nhận định: "Tôi thấy nền giải trí nước ta nếu muốn phát triển sánh vai với tầm vóc quốc tế, trước mắt những thành viên trong đó nên thay đổi từ những thứ nhỏ nhất về tư duy, ý thức, để tạo nên một văn hóa làm việc tốt đẹp. Chứ không nên theo đuổi những thứ xa với, lớn lao để ảo tưởng mình là ngôi sao hạng A hay A+. Tôi từng có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ Việt Nam có thói quen nghiêm khắc lịch trình, giờ giấc của mình và dễ thấy, họ thành công. Hơn hết, thành công của họ được nhiều người tôn trọng. Chỉ những thay đổi nhỏ nhưng mang đến hiệu quả lớn, tôi nghĩ lớp nghệ sĩ trẻ nên như vậy nếu muốn chuyên nghiệp".
Tạm kết
Bỏ qua các nguyên nhân khách quan, ngoại cảnh, thì việc đến trễ của nghệ sĩ tại các sự kiện đã đến lúc cần được lên tiếng một cách nghiêm túc. Bởi khi được nhà tổ chức ngỏ lời mời, nghĩa là tên tuổi của họ có được sự tin tưởng, đồng thời giữ một vai trò tất yếu làm nên thành công, uy tín của chương trình. Đổi lại, họ nên có trách nhiệm với công việc bằng cách đáp ứng đúng lịch trình làm việc mà mình đã đồng ý để không chỉ không ảnh hưởng đến những người khác mà còn mang lại hình ảnh đẹp, sự uy tín cho bản thân người nghệ sĩ đó.
No comments:
Post a Comment