(WebGiaDinh.org) Dầu gió rất thông dụng trong mỗi tủ thuốc gia đình. Nhiều người thấy ngạt mũi, khó chịu, nhức đầu… là dùng ngay dầu gió. Tuy nhiên, dùng dầu gió sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Thực tế đã có không ít trường hợp phải nhập viện do dùng dầu gió sai cách. Cách đây không lâu, khoa Cấp cứu (BV Nhi đồng 1) đã cấp cứu một bé gái gần 2 tuổi trong tình trạng hôn mê và có những cơn ngưng thở khoảng 15 giây.
Theo lời kể của gia đình, trước đó cháu bé cho chai dầu gió vào miệng uống. Khoảng 15 phút sau, bé có dấu hiệu mệt mỏi, đứng loạng choạng. Sau 30 phút, bé nôn và có mùi dầu trong dịch nôn rất nhiều. Gia đình vội đưa cháu đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, bé được đặt nội khí quản, bóp bóng duy trì hô hấp, sử dụng thuốc chống co giật và hút dịch dạ dày, cho than hoạt loại bỏ độc chất. Rất may cháu đã hồi phục sau 3 ngày điều trị.
BS Đông y Nguyễn Văn Hướng cho rằng, chúng ta không thể phủ nhận những tác dụng của dầu gió. Dầu giócó vị cay, tính mát, là một loại thuốc trị ngoài da giúp chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau nhức và làm cho tinh thần sảng khoái. Bởi vậy, nó rất hiệu quả trong điều trị cảm gió, nhức đầu, đau nhức cơ thể, muỗi đốt...
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Việt Nam cho biết, tinh dầu tràm gió chứa hợp chất có tác dụng sát khuẩn nhẹ, long đàm, hương thơm nên được dùng để điều chế thuốc ho, nước súc miệng và mỹ phẩm..., ngoài ra còn sát khuẩn, kháng nấm, đặc biệt là ức chế được cả virus cúm H5N1.
Tuy nhiên, việc dùng dầu gió không đúng cách dễ gây nguy hại sức khỏe. Trong dầu gió, tinh dầu bạc hà chứa methol và methyl salicylat là hai thành phần thường gặp nhất. Menthol bốc hơi rất nhanh, gây tê tại chỗ và cảm giác mát lạnh khi xoa vào da.
Khi dùng nhiều dầu gió có tác dụng phụ làm tăng bài tiết mồ hôi nên dễ gây hạ nhiệt thân thể. Những người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, tăng huyết áp phải đặc biệt chú ý không nên dùng.
Dùng dầu gió sai cách có thể nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa.
Hơn nữa, việc trẻ nhỏ dùng dầu gió không phải loại nào cũng an toàn. Có loại chỉ cần xoa bóp ngoài da cũng có thể nguy hại đến trẻ nhỏ như loại có tinh dầu bạc hà có nguy cơ gây hiện tượng ức chế tuần hoàn và hô hấp dẫn đến ngừng tim và ngừng thở.
Dầu gió dùng uống hậu quả càng nghiêm trọng, có thể sẽ hủy hoại niêm mạc đường tiêu hóa. Bởi vậy, đối với trẻ em dưới 2 tuổi và phụ nữ có thai, cho con bú không dùng dầu gió tinh dầu bạc hà.
Dầu gió chỉ được dùng ngoài da. Tác dụng phụ của methyl salicylat có thể gây xung huyết da.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, dầu gió là sản phẩm không cần kê đơn, có thể tìm mua dễ dàng nên nhiều người thường hay lạm dụng. Tuy nhiên, dầu gió vẫn là thuốc, dùng thường xuyên dầu gió dễ dẫn tới tình trạng nhờn dầu làm giảm tác dụng khi dùng những lần sau.
Hệ hô hấp cũng sẽ bị tổn thương khi hít dầu gió thường xuyên. Tốt nhất, mọi người chỉ nên dùng trong trường hợp thực sự cần thiết như: cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau khớp, đau gân, đầy hơi, khó tiêu, chống lạnh đường hô hấp…
Đáng chú ý là trong thành phần của dầu gió còn có chứa eukalyptol và camphor, đặc biệt camphor là một chất độc đối với trẻ em. Lượng camphor cho phép trong các chế phẩm dầu gió chỉ khoảng 3 - 11%. Nếu lạm dụng, hấp thu nhiều vào cơ thể qua phần da trầy xước hay vô tình nuốt phải với lượng nhiều (khoảng 1g) thì hệ hô hấp bị tổn thương, thậm chí ngưng thở.
Tùy vào lượng dầu nhiều hay ít, khi bị ngộ độc, camphor có thể gây tác hại với những triệu chứng xuất hiện chỉ trong vòng 5 - 90 phút sau tiếp xúc.
Biểu hiện sớm là bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, suy hô hấp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.
Để sử dụng dầu gió đúng cách, mọi người lưu ý:
- Trước khi bôi dầu cần rửa sạch tay và rửa sạch, lau khô vùng da bị đau. Nên lấy đầu ngón tay trỏ lấy một lượng thích hợp thay bằng việc đổ dầu gió trực tiếp lên vùng da, bôi lên chỗ đau nhức hay vết côn trùng cắn đốt.
- Đau bụng, khó tiêu bôi vào vùng quanh rốn, còn nhức đầu bôi thái dương. Lưu ý khi bôi miết nhẹ nhàng, day tròn, ấn bằng ngón tay trỏ.
- Trong một ngày không dùng quá hơn 3 - 4 lần; không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở.
- Trường hợp mắc bệnh mãn tính, khi dùng dầu gió cần có sự tư vấn của các bác sỹ.
No comments:
Post a Comment