(WebGiaDinh.org) Đừng làm ‘thui chột’ tài năng con trẻ bởi những hành động dưới đây của cha mẹ.
Bậc cha mẹ nào cũng mong mỏi con thành người thành công, tài giỏi. Bởi vậy, ngay từ những năm tháng đầu đời, hãy chú ý tránh những quan niệm sai lầm dưới đây để không làm “thui chột” mầm mống thiên tài trong trẻ:
Đáp ứng nhu cầu giải trí của con quá nhanh
Cha mẹ có tâm lí sợ con khi không có trò gì chơi, không có việc gì làm sẽ sinh chán nản nên thường đáp ứng nhu cầu giải trí của các bé rất nhanh. Trong những tình huống như vậy, khá nhiều bậc phụ huynh sẽ chọn giải pháp bật tivi cho con xem hoặc mở máy tính, điện thoại cho con nghịch. Tuy nhiên, trẻ cần có những khoảng thời gian “trống” để tự mình lên sáng tạo, khám phá và học cách xử lí chúng. Hãy gợi ý cho con một số ý tưởng có thể làm khi trẻ cảm thấy buồn chán, tránh để trẻ phụ thuộc vào màn hình máy tính, tivi.
Trẻ cần có những khoảng thời gian “trống” để tự mình lên sáng tạo, khám phá và học cách xử lí chúng. (Ảnh minh họa)
Luôn bắt con phải gọn gàng, ngăn nắp
Một đứa trẻ luôn sống trong những nguyên tắc, không bao giờ dám tham gia vào những hoạt động để đôi tay phải lấm bẩn sẽ không bao giờ học được cách tư duy sáng tạo, phá vỡ lối mòn. Mẹ đừng nên lúc nào cũng lo lắng khi thấy con nhọ nhem hết cả người vì chơi xới đất, trèo cây hay ướt sũng quần áo vì tắm mưa, đó chính là những lúc trẻ học được rất nhiều điều thú vị từ thế giới xung quanh, nhờ đó mà óc sáng tạo và trí thông minh dược bồi đắp.
Xem nhẹ giai đoạn học mẫu giáo
Nhiều bậc phụ huynh quan niệm trẻ chỉ thực sự bắt đầu “học” khi vào lớp 1 nên không mấy quan tâm đến thời mẫu giáo của con. Có những người người “xót” con phải đi học vất vả mà cho bé đến lớp mẫu giáo thất thường hoặc để bé ở nhà cho ông bà trông mà không cần đưa tới lớp học. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những trẻ không được tham dự lớp mẫu giáo thường xuyên khi lớn lên có kết quả làm bài kiểm tra IQ thấp hơn hẳn 7 điểm so với các bạn khác.
Trẻ đi mẫu giáo không chỉ học được những kiến thức khoa giáo mà quan trọng hơn, các bé còn được phát triển ngôn ngữ, có nhiều cơ hội va chạm, giao tiếp và xử lí các tình huống.
Cho con ăn sáng qua loa
Bữa sáng hay bị xem nhẹ bởi các bậc phụ huynh thường rất bận rộn vào buổi sáng sớm và có xu hướng để con ăn sáng theo kiểu... cho xong bữa, sau đó để đến trưa hoặc tối “ăn bù”. Tuy nhiên, bữa sáng lại là bữa quan trọng nhất trong ngày. Trẻ em được ăn những bữa sáng đầy đủ dưỡng chất sẽ tập trung hơn, có nhiều năng lượng và tinh thần thoải mái để làm việc cả ngày và đạt kết quả cao hơn trong học tập.
Lười tâm sự với con
Nhiều bậc phụ huynh không có thói quen chia sẻ những chuyện hàng ngày với con vì cho rằng con trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu được bố mẹ đang nói gì. Tuy nhiên, thường xuyên trò chuyện với bé, kể cả khi bé chưa thể nhận thức được hết những lời của bố mẹ, vẫn là một cách rất tốt để bồi đắp vốn từ ngữ, phát triển khả năng giao tiếp, ngôn ngữ của trẻ và kích thích hình thành các liên kết nơ-ron thần kinh trong não bộ của trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lắng nghe những điều con nói. Việc tương tác qua lại giữa trẻ và bố mẹ không chỉ tăng cường tư duy não bộ ở trẻ mà còn khiến tình cảm gia đình thêm thân thiết, gắn bó.
No comments:
Post a Comment