Chưa kịp tận hưởng cảm giác trở thành người hùng của bóng đá Việt Nam, rắc rối đã ập đến với thủ môn Bùi Tiến Dũng. Sau khi mạng xã hội Facebook xuất hiện bản báo giá của một công ty truyền thông liên quan đến việc kinh doanh hình ảnh thủ môn số 1 của U23 Việt Nam, Tiến Dũng ngay lập tức bị đội bóng chủ quản là FLC Thanh Hóa "tuýt còi".
Sáng 1-2, Giám đốc điều hành CLB FLC Thanh Hóa, ông Nguyễn Trọng Hoài, cho biết mọi giao dịch của thủ môn Bùi Tiến Dũng với các đơn vị kinh doanh hình ảnh của anh bắt buộc phải thông qua CLB.
Trước đó, tối 31-1, Facebook bắt đầu lan truyền bảng báo giá của một công ty truyền thông, vốn cho rằng Tiến Dũng đã ký hợp đồng bảo trợ thương hiệu với họ. Mức giá gửi đến các đơn vị có nhu cầu quảng bá thương hiệu thông qua hình ảnh thủ thành số 1 U23 Việt Nam được tính bằng USD.
Cụ thể: "Tham dự sự kiện giá 10.000 USD, đăng quảng cáo trên Facebook cá nhân hơn 2.500 USD, livestream 5.000 USD, check-in địa điểm 5.000 USD, chụp ảnh: 10.000 USD... Nếu Bùi Tiến Dũng trở thành gương mặt đại diện độc quyền cho một ngành hàng trong vòng 1 năm sẽ có mức giá 123.750 USD".
Bảng báo giá này đã gây phản ứng nhiều chiều trên mạng xã hội. Sáng 1-2, lãnh đạo CLB FLC Thanh Hóa đã ra thông cáo, cho rằng mọi giao dịch của công ty này với thủ thành Bùi Tiến Dũng là vô hiệu nếu không thông qua CLB.
Tiến Dũng đang là VĐV của FLC Thanh Hóa và chịu sự quản lý toàn bộ vấn đề chuyên môn, hình ảnh nên không được tự ý ký hợp đồng với các đơn vị, cá nhân để kinh doanh hình ảnh.
FLC Thanh Hóa cho biết cũng nhận được phản ánh từ một số doanh nghiệp rằng có tổ chức, cá nhân tự nhận mình là đơn vị quản lý hình ảnh, truyền thông cho Bùi Tiến Dũng đã tiếp xúc họ để xúc tiến ký hợp đồng quảng cáo với thủ môn này.
Thủ môn Tiến Dũng trong đêm gala vinh danh U23 Việt Nam ở Hà Nội cuối tuần qua Ảnh: Hải Anh
"Bảng báo giá quảng cáo ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cá nhân cầu thủ Bùi Tiến Dũng, tập thể đội U23 Việt Nam, đội bóng chủ quản và cả nền bóng đá Việt Nam. Nó khiến cho CĐV Việt Nam, người dân Việt Nam có cái nhìn sai lệch và thiếu thiện cảm về cầu thủ, về đội bóng U23 Việt Nam và về nền bóng đá của chúng ta. Niềm tin, tình yêu dành cho bóng đá Việt Nam, cho cầu thủ Việt Nam vừa được thổi bùng lên sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều sau vụ việc đáng tiếc này" - FLC Thanh Hóa lo ngại.
Lãnh đạo CLB này khẳng định: "Cầu thủ FLC Thanh Hóa chỉ được quảng cáo cho những đối tác khi được sự đồng ý bằng văn bản của CLB. Cho đến thời điểm này, chưa có bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào làm việc với CLB Thanh Hóa về việc kinh doanh hình ảnh Tiến Dũng". Do vậy, mọi thỏa thuận, theo ông Hoài, đều không có giá trị.
"Tiến Dũng là VĐV được FLC Thanh Hóa đào tạo từ nhỏ. Hiện nay, mọi vấn đề chuyên môn, hình ảnh của anh do CLB quản lý. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để Tiến Dũng có thể kinh doanh hình ảnh nhưng CLB sẽ là người đứng ra đại diện đàm phán và thương thảo việc này. Cách làm hiện nay của một số doanh nghiệp cho thấy họ đang lợi dùng hình ảnh Tiến Dũng và Tiến Dũng là "nạn nhân" do chưa thấu hiểu hết quy định" - ông Hoài nhìn nhận.
Lãnh đạo FLC Thanh Hóa khẳng định đã cử thành viên ban huấn luyện liên lạc với Tiến Dũng để giải thích và bảo vệ hình ảnh cầu thủ này. Tiến Dũng sẽ có cuộc gặp lãnh đạo CLB vào ngày 2-2 để nói rõ hơn về những khúc mắc mà dư luận đang đặc biệt quan tâm.
CLB có ràng buộc hợp đồng Để tìm hiểu thêm việc CLB FLC Thanh Hóa căn cứ vào những quy định nào để ra thông cáo báo chí, chúng tôi đã có được một số thông tin về bản hợp đồng lao động được ký kết giữa họ với Bùi Tiến Dũng. Điểm J trong bản hợp đồng giữa hai bên nêu rõ: "Cầu thủ không có quyền nhận bất kỳ hợp đồng cá nhân nào mà không có sự đồng ý bằng văn bản của CLB". Điểm O trong thỏa thuận hợp đồng lao động giữa hai bên cũng đề cập việc "cầu thủ không được phép cung cấp thông tin nội bộ của CLB cho các phương tiện thông tin đại chúng và các CLB khác. Cầu thủ chỉ được phép tiếp xúc các phóng viên, hãng thông tấn báo chí khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của chủ tịch và ban huấn luyện CLB". Như vậy, với 2 điều khoản nêu trên được ký kết trong hợp đồng lao động giữa thủ môn Bùi Tiến Dũng và CLB Bóng đá FLC Thanh Hóa, thủ thành quê Ngọc Lặc không thể tự ý thực hiện những bản hợp đồng cá nhân hay trả lời giới truyền thông, khi vẫn đang còn hợp đồng lao động với đội bóng xứ Thanh. Về quy định chia lợi nhuận quảng bá hình ảnh của cầu thủ thuộc biên chế CLB FLC Thanh Hóa, đội bóng này cũng đề cập rất chi tiết trong hợp đồng: "Tùy vào hợp đồng thương mại sẽ có sự thỏa thuận mức chi % được hưởng giữa cầu thủ và CLB. Mức chia cao nhất 50-50". |
Vietcombank trao 1 tỉ đồng cho U23 Việt Nam Ngày 31-1, tại trụ sở VFF đã diễn ra lễ tiếp nhận số tiền 1 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trao tặng đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam do đạt thành tích cao tại Giải Vô địch Bóng đá U23 châu Á. Đại diện đội, HLV trưởng Park Hang Seo, đã nhận thưởng từ bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Vietcombank trụ sở chính.Ch.Thơ |
Đừng rơi vào vòng xoáy đồng tiền! Gần tuần qua, cả nước dường như cuốn theo những cuộc vui hoành tráng mừng U23 Việt Nam có được vị trí á quân U23 châu Á. Đó là những cuộc vui làm thế giới kinh ngạc. Thế giới càng kinh ngạc hơn khi không thấy bóng dáng chiếc cúp chiến thắng đâu cả - mà trong bóng đá, chưa vô địch sao gọi là thành công? Tuy nhiên, với bóng đá Việt Nam - suốt thời gian qua vẫn chưa vượt nổi ao làng Đông Nam Á, vượt qua những ông lớn tầm châu lục như Iraq, Qatar để tiến thẳng đến trận chung kết đã là điều kỳ diệu. Vui là phải nhưng phải biết dừng để hướng tới những mục tiêu xa hơn. Theo HLV Park Hang Seo, để đạt được đến đỉnh cao, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. "Tôi nhắc lại, chúng ta chưa đạt tới đỉnh vinh quang đâu!". Lời nhắc nhở của nhà cầm quân người Hàn Quốc đưa chúng ta trở lại mặt đất. Tuy vậy, có vẻ như U23 Việt Nam vẫn bị tiếp tục lôi kéo vào những cuộc vui. Người xưa từng nói "Lạc bất khả cực, cực tất sinh bi", và bóng dáng của cái "bi" đã thấy rồi, ở đây là tiền bạc và danh vọng. Điển hình là trường hợp thủ môn Bùi Tiến Dũng. Facebook của anh trở nên rất "hot". Một công ty truyền thông đã tung ra bảng báo giá hình ảnh thủ môn nổi tiếng này, với mỗi status, mỗi livestream, chụp ảnh check-in, ghi hình quảng cáo… có giá hàng ngàn USD. Tiến Dũng sẽ trở thành tỉ phú một cách nhẹ nhàng, nếu có vài hợp đồng! Rồi chuyện CLB chủ quản FLC Thanh Hóa khẳng định họ đang giữ bản quyền hình ảnh của thủ môn số 1 đội U23 Việt Nam chứ không phải đơn vị truyền thông đã rao giá và được đưa lên mạng xã hội. Đồng tiền đang nhảy vào, thách thức bản lĩnh không chỉ Bùi Tiến Dũng mà còn một số tuyển thủ U23 khác nữa. Danh vọng, tiền tài là những dòng xoáy kinh hoàng từng nhấn chìm một số tuyển thủ bóng đá Việt Nam, đó là chưa kể bóng dáng nhiều người đẹp đang lởn vởn bên những chàng trai trẻ. Còn nhớ một cầu thủ xuất sắc là Văn Quyến, người hùng ở Giải U16 châu Á năm 2000, từng bị 2 năm tù cho hưởng án treo do dàn xếp tỉ số ở SEA Games 23 - 2005 ở Philippines, rồi trượt dài. Dính vụ này còn có Quốc Vượng, nhận 4 năm tù giam. Đó là chưa kể Quốc Anh, Bật Hiếu, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh cũng dính trong vụ án này, để phải chật vật tìm đường trở lại sân cỏ. Chưa hết, bóng đá Việt Nam còn nhiều tên tuổi lẫy lừng từng là "nạn nhân" của đồng tiền như nhà vô địch AFF Cup 2008 Nh.Th, Long Giang… Trở lại trường hợp thủ môn Bùi Tiến Dũng, anh có thể chỉ là một "nạn nhân". Hy vọng mọi điều cần được làm sáng tỏ. Trên hết, đừng để đồng tiền chi phối, bởi Tiến Dũng và đồng đội còn rất trẻ. Nên nhớ rằng Văn Quyến, Quốc Vượng, Bật Hiếu, Quốc Anh dính chàm ở SEA Games 23 đều ở tuổi dưới 23, thậm chí Văn Quyến mới 21 tuổi. Thành công của U23 Việt Nam vừa qua là rất đáng được ca ngợi. Họ phải được tưởng thưởng xứng đáng và đã nhận bước đầu. Đây là bước ngoặt quan trọng để bóng đá Việt Nam phát triển bền vững. Chúng ta phải giữ cho được lứa cầu thủ tài năng này, để họ phát triển chuyên môn lẫn đạo đức, để nền bóng đá Việt sạch, hấp dẫn và tiến xa như kỳ vọng của người hâm mộ lẫn Chính phủ… Lưu Nhi Dũ |
No comments:
Post a Comment