BS Cấp khẳng định, dùng kim châm để chữa đột quỵ là phản khoa học
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ rộng rãi thông tin “chỉ với một cây kim có thể cứu được người đột quỵ (tai biến mạch máu não)”.
Thông tin chia sẻ: “Chỉ cần một ống tiêm thuốc (loại dùng xong rồi phế thải, bằng nhựa), hoặc một cây kim may, là chúng ta có thể cứu mạng một bệnh nhân đang bị chứng tai biến mạch máu não. Việc cứu chữa thật đơn giản và dễ dàng một cách lạ lùng, nhưng có thể mang đến những kết quả cũng không kém lạ lùng và hữu hiệu. Chúng ta chỉ cần một phút để đọc tài liệu này, và các điều ghi trong tài liệu quả là những hướng dẫn tuyệt vời.
Xin quí vị ghi nhớ hoặc lưu giữ tài liệu này để sẵn sàng áp dụng, vì biết đâu, một ngày nào đó, quí vị sẽ dùng đến để cứu sống mạng người. Nếu quí vị có sẵn một ống tiêm thuốc, thì tốt nhất, nếu không thì một cây kim may, hay một cây kim gúc, cũng có thể giúp chúng ta được.
Chỉ cần dành 1 phút chú ý là xác định được đột quỵ (tai biến mạch máu não)
Theo hướng dẫn trên mạng xã hội, có thể cứu sống được người tai biến mạch máu não theo các bước sau:
1- Trước hết, chúng ta hảy hơ nóng kim bằng lửa (bật lửa, đèn nến) để sát trùng, rồi dùng kim để chích trên mười đầu ngón tay.
2- Chúng ta không cần tìm một huyệt đặc biệt nào cả, chỉ cần chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một ly (milimetre).
3- Chích kim vào cho đến khi có máu rỉ ra.
4- Nếu máu không chảy, nên nặn đầu ngón tay cho đến khi thấy máu nhỏ giọt.
5- Khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, thì chờ vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy.
6- Nếu mồm bệnh nhân bị méo, thì chúng ta phải nắm hai (lổ) tai của bệnh nhân kéo mạnh, cho đến khi hai tai đều ửng màu đỏ.
7- Châm vào dái tai hai mũi mỗi bên cho đến khi máu nhỏ giọt từ mỗi dái tai. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại. Chúng ta hãy kiên tâm chờ cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn hồi tỉnh và không có một triệu chứng nào khác thường mới mang bệnh nhân đến bệnh viện.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khẳng định: “Những điều trên là vớ vẩn, không có cơ sở khoa học, không có ý nghĩa gì hết”.
BS Cấp lý giải, chích 10 đầu ngón tay gọi là huyệt Thập tuyên, thường dùng trong cấp cứu ngất, say nắng. Về bản chất có lẽ nó gây đau làm hồi tỉnh giống như khi ngất thì người ta tát cho vài cái hay hắt bát nước lạnh vào mặt thôi.
Hơn nữa, tất cả các sách Đông y đều quy tai biến mạch não là trúng phong tạng phủ. Trong khi đó, nguyên tắc bệnh đã vào tạng phủ lại đi châm kinh lạc mà khỏi ngay là không thể có.
“Thực tế cũng không có ca nào tai biến mạch máu não lại cứu khỏi nhờ cách này”, BS Cấp khẳng định.
Chỉ cần dành 1 phút chú ý là xác định được đột quỵ
PGS, TS Mai Duy Tôn – Trưởng phòng Cấp cứu 1, Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, PGS Tôn cho biết, bệnh đột quỵ xảy ra nhanh, nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Sau đột quỵ, cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, do vậy bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt. Chính vì thế, nhận biết, đánh giá và xử trí ban đầu rất quan trọng.
Bệnh đột quỵ là tai biến mạch máu não có thể ở dạng xuất huyết não hoặc tắc động mạch do huyết khối.
Theo bác sĩ Tôn, cách nhận biết dấu hiệu cơn đột quỵ sắp tới đó là các dấu hiệu khó nói, khó uống nước, mắt mờ, liệt nửa người bên trái hoặc bên phải, không giơ tay lên được.
Để xác định dấu hiệu đúng của đột quỵ, những người xung quanh chỉ cần dành 1 phút chú ý và hỏi người bệnh ba từ: nói – cười – chào.
Nói: Nếu đứng trước người có biểu hiện của cơn đột quỵ bạn hãy bảo người đó nói. Nếu nói ngọng, khó nói, hoặc không nói được là dấu hiệu báo cơn đột quỵ.
Cười: Khi cười người sắp đột quỵ có dấu hiệu méo mồm và cười nhìn dấu hiệu này rõ hơn.
Chào: Hãy nói người đó giơ tay chào, nếu không giơ được tay là dấu hiệu cơn đột quỵ.
Khi thấy dấu hiệu chính xác, người xung quanh nên gọi điện cho 115 để được cấp cứu thay vì tự sơ cứu.
Bác sĩ Tôn cũng cảnh báo, các cách dân gian được mọi người hay truyền tai nhau là nặn máu ở tay, chân, dái tai đều không có tác dụng bởi các nghiên cứu về đột quỵ đều cho rằng nó là phương pháp sai khoa học. Thời gian vàng từ 4 – 6h đầu của điều trị đột quỵ rất quan trọng, bệnh nhân vào viện càng sớm thì cơ hội cứu sống càng cao, di chứng càng ít.
Tuy nhiên, thực tế, không ít gia đình do chủ quan, thiếu hiểu biết để bệnh nhân ở nhà tự điều trị bằng thuốc khiến họ bị mất cơ hội điều trị.
Liên tục có bệnh nhân đến bệnh viện do tăng huyết áp, đột quỵ trong ngày giá rét.
No comments:
Post a Comment