Ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Huyền tại thôn Hạc Lâm (xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Tấn bi kịch của người phụ nữ thôn quê
Đến thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1986) không mấy ai không biết. Bởi hoàn cảnh của chị Huyền thuộc diện nghèo khó nhất vùng. Ngoài ra, chị còn bị liệt 2 chân sau khi sinh. Cậu con trai 4 tuổi phải đứng lên làm trụ cột gia đình chăm mẹ.
Nhà chị Huyền nằm gần cuối làng, cạnh cánh đồng. Điều đầu tiên đập vào mắt khi chúng tôi đến, đó là căn nhà cấp 4 nhỏ bé, xiêu vẹo, tường loang lổ. Mảng sân nhỏ trước nhà chỗ láng xi măng, chỗ nền đất. Bên trong căn nhà, đồ đạc tuềnh toàng, chỉ có chiếc tủ lạnh do một tổ chức từ thiện tặng là đáng giá nhất.
Sau khi sinh con được 17 ngày, đôi chân của chị Huyền không đi lại được, chị phải ngồi xe lăn 4 năm nay.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trên chiếc xe lăn, chị Huyền không giấu nổi những giọt nước mắt nghẹn ngào. Cuộc đời chị là chuỗi những ngày tháng đau thương và mất mát liên tiếp ập đến.
Chị Huyền kể: Chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Bố bỏ rơi 3 mẹ con đi tìm hạnh phúc mới khi chị cùng người em gái đang tuổi ăn tuổi lớn.
Đầu năm 2000, cuộc sống quá nhiều khó khăn, mẹ chị Huyền đưa hai con gái vào Trảng Bom (Đồng Nai) để mưu sinh. Cuộc sống những năm tháng nơi đất khách quê người cũng vô cùng khó khăn. Chị Huyền cùng mẹ và em gái phải bươn trải, làm đủ mọi nghề để có tiền trang trải cuộc sống.
Thế rồi, tai họa ập đến gia đình nhỏ của 3 mẹ con chị Huyền. Sau một tai nạn giao thông, mẹ chị đã qua đời để lại hai đứa con bơ vơ nơi đất khách quê người.
Mẹ mất, hai chị em chị Huyền lại phải gò lưng làm thuê, làm mướn để nuôi nhau nơi xứ lạ. Không lâu sau đó, em gái chị Huyền cũng nên duyên với một thanh niên ở Đồng Nai và về sinh sống với nhà chồng.
Chị Huyền một thân một mình tiếp tục bươn trải, đi làm công nhân may. Nhiều lần, chị nghĩ đến việc ra Bắc nhưng không đủ tiền. Mãi đến cuối năm 2009, khi đã dành dụm được một số tiền nhất định, chị Huyền mới bắt xe về quê.
“Về quê ít ra còn có họ hàng, hàng xóm thân thiết chứ ở trong đó cảnh làm thuê, ở trọ lại có một thân một mình cô đơn lắm”, chị Huyền tâm sự.
Ra Bắc, chị Huyền quen một người đàn ông cùng xã. Hai người đã có một quãng thời gian dài tìm hiểu, yêu nhau. Chị Huyền cũng đã về mắt gia đình người yêu. Thế nhưng khi biết tin chị Huyền có thai, người đàn ông bắt chị Huyền phải bỏ đứa con đi nếu không sẽ bỏ chị. Vì không muốn làm chuyện thất đức, chị Huyền quyết giữ con.
Chị Huyền tiếp tục xin làm công nhân may trên TP Bắc Giang. Ngày chị chuyển dạ, một thân một mình không biết xoay sở ra sao thì may mắn có chủ phòng trọ đưa đi viện.
Giữa năm 2013, một bé trai kháu khỉnh ra đời. Chị Huyền đặt tên con là Nguyễn Minh Hiếu vì muốn con sau này vừa thông minh, vừa có hiếu.
Thế nhưng tấn bi kịch của chị Huyền vẫn chưa chấm dứt, đẻ con xong được 17 ngày thì hai chân chị bị liệt, không đi lại được. Miệng chị cũng méo xệch đi và nói năng không còn được như bình thường.
“Không biết kiếp trước tôi làm gì sai mà kiếp này tôi bị đày đọa, khổ sở đến vậy. Nhiều lúc tôi nghĩ muốn chết đi cho nhẹ nợ nhưng lại nghĩ mình chết thì ai chăm con nên gắng gượng sống”, chị Huyền rưng rưng.
Bé trai 4 tuổi làm trụ cột gia đình
Từ khi mắc bệnh, không đi lại được, mọi việc sinh hoạt chị Huyền đều phải nhờ họ hàng, láng giềng giúp đỡ. Những năm đầu, khi bé Hiếu còn nhỏ, cuộc sống của hai mẹ con vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Mọi việc trong nhà từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo… bé Hiếu phải làm để giúp đỡ mẹ.
“Người thân, hàng xóm thương cảnh hai mẹ con tôi nên người cho gạo, người cho rau, người cho tiền… có người còn sang nấu nướng, giặt giũ giúp mẹ con tôi. Tôi mang ơn mọi người nhiều lắm. Bây giờ, con lớn rồi nên cũng giúp mẹ được nhiều thứ”, chị Huyền nói.
Dù mới 4 tuổi nhưng bé Hiếu đã phải đứng lên gánh vác mọi công việc trong gia đình. Ngoài thời gian đến trường ban ngày, buổi chiều về bé Hiếu lại giúp mẹ mọi thứ từ nhặt rau, nấu cơm, quét nhà, giặt quần áo…
Hai năm đầu sau sinh, chân chị Huyền gần như không đi lại được, phải ngồi một chỗ. Gần đây, nhờ một nhà hảo tâm giúp đỡ, thuê một bác sĩ từ Hà Nội về châm cứu 1 lần/tuần, chân của chị Huyền có dấu hiệu phục hồi.
Chị Huyền hằng ngày tập đi để mong đôi chân có thể trở lại bình thường.
Chị Huyền còn nhờ hàng xóm dùng tre làm tay vịn dựng ở sân để tập đi. Chiều chiều, chị Huyền lại ra sân và bám vào đó để tập đi. Đôi tay chị run run bám không được chặt, đôi chân cũng run run bước đi một cách khó nhọc.
“Bác sĩ nói bệnh của tôi có thể chữa khỏi được nhưng tốn kém và cần kiên trì tập đi lại. Bây giờ, tôi chỉ ước mình có thể sớm đi lại như bình thường để chăm con và đi làm nuôi con, cho con đỡ khổ”, chị Huyền nói về ước mơ của mình.
Đôi mắt rưng rưng, chị Huyền nói tiếp: “Nhiều khi hỏi con lớn lên muốn làm gì, bé bảo con sẽ học thật giỏi để làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc”.
Ông Nguyễn Thế Hạnh – Trưởng thôn Hạc Lâm chia sẻ, hoàn cảnh của gia đình chị Huyền rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo nhất thôn.
“Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện về chính sách, hỗ trợ cho chị Huyền mỗi tháng 405.000 đồng, còn lại mọi sinh hoạt, chi phí khác đều do hàng xóm, họ hàng giúp đỡ”, ông Hạnh nói.
No comments:
Post a Comment