Căn nhà, nơi hai vợ chồng bà M sống cùng nhau trước kia.
Day dứt nỗi đau người ở lại
Hai năm sau ngày xảy ra vụ việc gây xôn xao dư luận tại miền quê nghèo xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân), PV Báo Gia đình & Xã hội đã tìm về địa phương để lắng nghe tâm tư của những người ở lại. Trong căn nhà nhỏ lụp xụp, hoang lạnh, nơi từng xảy ra vụ việc giờ chỉ còn bà Trần Thị M (SN 1957, vợ ông H) cùng một đứa cháu thỉnh thoảng qua lại.
Vì nỗi ám ảnh và buồn chán nên bà M đã phải dọn sang ở nhà của con trai cạnh đó để ở cho khuây khỏa. Thỉnh thoảng bà mới về ngôi nhà cũ lau dọn nhà và thắp nén hương lên bàn thờ chồng. Kể từ khi chồng và người em gái mất, bà M phải nghỉ luôn công việc buôn bán. Ngồi bên hiên nhà, ánh mắt đượm buồn, bà M kể lại: “Vụ việc giữa chồng tôi với em gái xảy ra ngày 28/11/2015. Trước đó mấy ngày, do con gái đang sinh sống trong miền Nam sinh nở nên tôi phải vào chăm sóc. Niềm vui của gia đình khi có thêm thành viên mới ngắn chưa tày gang thì bất ngờ tôi nhận được hung tin về việc chồng và cô em gái chết bí ẩn tại nhà. Khi nhận tin báo, đầu óc tôi quay cuồng, rồi ngất xỉu không còn biết gì nữa”.
Giờ đây, sau gần 2 năm bà M vẫn không thể tin đó là sự thật. Người phụ nữ với vẻ bề ngoài khắc khổ này tâm sự, nhiều lúc chỉ nghĩ như chồng và em gái đi đâu đó xa chứ không phải đã chết rồi. “Từ lúc chồng mất, gia đình chúng tôi hầu như không có tiếng cười. Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh của ông ấy tôi như đứt từng khúc ruột”, bà M nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vợ chồng bà M có ba người con. Do kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm nên các con đều vào miền Nam mưu sinh. Ở quê nhà chỉ còn có vợ chồng bà M cơm cháo nuôi nhau. Hôm xảy ra vụ việc thì bà M lại vào miền Nam chăm sóc con gái vừa mới sinh con. Bà M chia sẻ: “Cái chết của chồng và em gái tôi vẫn còn nhiều bí ẩn, đầy oan khuất. Thậm chí, những điều tiếng vẫn còn dị nghị này nọ. Tôi mong rằng cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc nhằm làm rõ nguyên nhân vụ án mạng nghiêm trọng này”.
Vượt qua những lời dị nghị
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Loan (SN 1952, anh trai ông H) chia sẻ: “Đã gần 2 năm gia đình chúng tôi phải chịu nỗi đau mất người thân và đó cũng là khoảng thời gian gia đình phải chịu những lời dị nghị của dư luận. Cái chết của ông H được cơ quan chức năng kết luận là do tự tử và liên quan tới bà T. Tuy nhiên, gia đình tôi và bà con lối xóm cho rằng không thỏa đáng. Tất cả mọi người đều đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh vụ việc này…”.
Nỗi đau mất người thân vẫn còn đó, nhưng gia đình bà M phải chịu thêm nhiều lời đồn thổi, bàn tán từ những người xung quanh. Uống ngụm nước trà, bà M trải lòng tâm sự: “Những ngày trước đi đâu tôi cũng phải cúi mặt, ra đường ai cũng nhìn, họ vừa thương tình vừa bàn tán. Tôi cũng không trách gì bởi vì cũng nhiều nguyên nhân ẩn khuất khiến họ phải suy nghĩ. Nhưng đau đớn hơn là gia đình chúng tôi nhận được kết quả từ cơ quan chức năng là chồng tôi chết do tự tử. Mong cơ quan công an điều tra lại chứ như thế này thì ông ấy chết cũng không nhắm mắt nổi. Tôi cũng chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người nữa”.
Ông N.V.H (trú tại thôn 7, xã Cổ Đạm) cho biết, từ trước tới giờ trên địa bàn tại vùng quê nghèo này chưa từng xảy ra vụ việc nào kinh hoàng đến thế. Tội nghiệp cho ông H với bà T, hai người này thường ngày ăn ở hiền lành.
Được biết, gia đình bà M thuộc diện hộ nghèo 34 năm nay, trước khi xảy ra vụ việc hai vợ chồng bà M đang sống trong căn nhà tình nghĩa của chính quyền địa phương xây hỗ trợ.
Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, khoảng 18h ngày 28/11/2015, em trai bà T là ông Trần Văn Linh có sang nhà ông H để tìm chị gái. Khi sang đến nơi, ông Linh hoảng sợ khi phát hiện anh rể và chị gái đã tử vong. Tại hiện trường, bà T chết trong tư thế bị trói tay, lõa thể, nằm sấp trên giường. Cạnh bà T là ông H chết trong tư thế nằm ngửa.
No comments:
Post a Comment