Ai cũng cho rằng bà L.T.H (58 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) là người mê tín, đồng bóng vì bà luôn than thở nhà mình có ma, đêm đêm lại có thêm mùi gì như mùi thịt thối bốc lên ở phòng bà - điều mà bất cứ ai được bà gọi vào phòng đều hoàn toàn không nhận thấy. Sợ hãi, bà suốt ngày cúng bái, mời thầy này, rước bùa nọ về nhà. Gia đình cố khuyên ngăn nhưng không được.
5 giác quan, 5 kiểu ảo giác
Bác sĩ (BS) của một phòng khám tâm thần gần nhà đã kết luận bà H. thấy ma, ngửi ra mùi lạ là do hiện tượng ảo thanh và ảo khứu. Sau khi điều trị ít lâu, những ảo giác đó đã không còn.
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, khác với suy nghĩ thông thường rằng ảo giác chỉ là "nhìn thấy cái gì đó không thực", hiện tượng này lại rất đa dạng. "Con người có 5 giác quan thì cũng có 5 kiểu ảo giác tương ứng: ảo thính (ảo thanh), ảo thị, ảo khứu, ảo vị, ảo giác xúc giác. Ngoài ra còn có ảo giác bản thể (ảo giác nội tạng)" - BS Quang cho biết.
Ông đưa ra một số ví dụ: Trường hợp thứ nhất là một nam bệnh nhân 48 tuổi, từ Hà Tĩnh đón xe vào TP HCM để chuẩn bị cho đám cưới con gái. Ông nghiện rượu đã 5 năm nhưng khi đi xe không mang theo rượu. Sau 1 ngày đêm không uống, ông gặp "hội chứng cai", biểu hiện bằng cơn loạn thần cấp: thấy toàn thân khó chịu như có kiến bò, thấy ma quỷ đuổi nên bỏ chạy. Ông được đưa vào Viện Tâm thần trung ương 2 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và rất may đã khỏi trong vòng 5 ngày. Cảm giác kiến bò chính là ảo giác xúc giác, ma quỷ là ảo thị.
Trường hợp khác là một nữ giáo viên 25 tuổi, liên tục bị quấy rầy bởi các âm thanh, ban đầu là tiếng ồn ào như họp chợ, sau đó là một giọng nữ liên tục chê bai, bình phẩm mọi việc làm của cô, khuyên cô cách sống, cách làm người. Cô nhiều lần tìm cách lấy bông bịt tai, chửi rủa giọng nữ đó nhưng không hết. Đến khi được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TP HCM, các âm thanh khó chịu mới tan dần. "Cô gái gặp ảo thanh, ban đầu là ảo thanh thô sơ (tiếng ồn ào), sau đó là ảo thanh bình phẩm" - BS Quang giải thích thêm.
Hãy giúp đỡ người thân của bạn khi họ than vãn về những hình ảnh, mùi vị không có thậtẢnh: HOÀNG TRIỀU
Mọi lời khuyên đều vô hiệu
Mỗi loại ảo giác gây ra những biểu hiện khác nhau trên cơ thể bệnh nhân. Ảo thanh khiến bệnh nhân nghe rõ ràng bên tai hoặc từ trong đầu những lời khen, chê, dọa nạt, bình phẩm... có thể chi phối cảm xúc và hành vi bệnh nhân, thường gặp trong tâm thần phân liệt, loạn thần triệu chứng. Ảo thị khiến bệnh nhân trông thấy các vệt sáng, con người, hình ảnh sinh động... với kích thước lớn hoặc nhỏ hơn thực tại, hay gặp trong loạn thần cấp, loạn thần do nhiễm khuẩn, do nhiễm độc rượu. Ảo vị và ảo khứu ít gặp hơn 2 loại trên, thường gặp trong động kinh thùy thái dương, làm bệnh nhân ngửi hoặc nếm thấy mùi, vị khó chịu. Ảo giác xúc giác có thể là cảm giác nóng bỏng ngoài da, bị dây quấn, châm chích... hay gặp trong tâm thần phân liệt, hoang tưởng nghi bệnh, loạn thần do nhiễm độc, loạn thần triệu chứng.
Riêng ảo giác bản thể khiến bệnh nhân cảm thấy cơ thể thay đổi hoàn toàn hay thay đổi một phần nào đó trong người, ví dụ như ruột gan bị rỗng hay phình to, có súc vật trong nội tạng, ruột bị thối... Tuy nhiên, ảo giác bản thể vẫn gặp nhiều nhất trong các trường hợp: có cảm giác bị sờ mó, cưỡng hiếp, thậm chí đạt được khoái cảm.
Với các triệu chứng nêu trên, ảo giác có thể được phát hiện khi người bệnh hay than vãn họ nhìn thấy, ngửi thấy, nếm thấy những điều không có thật, với những cảm giác kỳ lạ trên da thịt, trong nội tạng. Người gặp ảo thanh thì hay bịt tai, lắng nghe, nói một mình (trả lời ảo thanh)…
ThS Trần Thị Yến Nhi, chuyên viên tâm lý thuộc Khoa Cận lâm sàng Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, khuyên: "Khi thông báo với người bệnh rằng họ đang nhìn, ngửi, cảm nhận, nghe thấy... những thứ không thật, người nhà hãy bình tĩnh lắng nghe và khéo léo tìm cách đưa họ đến gặp BS chuyên khoa. Không nên phản ứng bằng cách nóng giận, vì nếu bệnh nhân đang gặp ảo thanh mang tính đe dọa làm hại họ chẳng hạn, họ có thể tấn công lại bạn. Cũng không nên hùa theo, vì như vậy, bệnh nhân càng tin vào ảo giác, càng sợ. Cũng đừng cố chứng minh rằng điều đó không có thật, vì mọi lời khuyên đều vô hiệu khi hiện tượng đó đã là bệnh".
Ảo giác chỉ mất đi sau điều trị Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, ảo giác được định nghĩa là cảm giác, tri giác như thật về một sự vật, một hiện tượng không tồn tại trong thế giới khách quan, hay còn gọi là "tri giác không có đối tượng". Đây là một triệu chứng loạn thần, xuất hiện và mất đi không phụ thuộc vào ý muốn của bệnh nhân. Bởi đó là một triệu chứng loạn thần nên không có cách nào giúp bệnh nhân hay người nhà tự làm ảo giác mất đi được. Ảo giác chỉ mất đi khi bệnh nhân được can thiệp đúng cách bởi BS chuyên khoa tâm thần. |
Vì đua đòi, ham vui nhiều bạn trẻ mua thuốc Tây có tiền chất gây nghiện tự chế thuốc mà không biết rằng họ đang chìm...
No comments:
Post a Comment