Trong cái nắng giữa trưa hè tháng 6, chúng tôi tìm đến xóm trọ nghèo trong ngõ 121, phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội). Vào tới đầu con ngõ, mở lời hỏi thăm nhà bà Hoài chạy thận, những người sống ở khu vực này đã đưa chúng tôi vào tới tận phòng trọ.
Trên đường đi, người dẫn đường kể về hoàn cảnh bi đát mà hai vợ chồng bà đang gặp phải: “Những người mắc bệnh suy thận như chúng tôi đã khổ, hai vợ chồng ấy còn khổ gấp vạn lần vì ngoài vấn đề tuổi cao sức yếu, chồng bà Hoài lại mới phát hiện bị ung thư khi lên Hà Nội chăm vợ”.
Bà Hoài vừa chuẩn bị cơm trưa vừa nói chuyện với chúng tôi về cuộc sống khó khăn hai vợ chồng gặp phải.
Đó là bà Dương Thị Hoài (SN 1955) và chồng bà là Dương Xuân Chiên (SN 1955, quê Vụ Bản, Nam Định. Hai vợ chồng lên Hà Nội ở trọ đến ngay đã gần 10 năm trời. Và trong căn phòng trọ xập xệ, người vợ đang chuẩn bị bữa cơm với những đồ ăn vô cùng đơn giản là rau muống luộc và vài con tép rang mặn.
“Trước đây những công việc như nấu cơm, giặt quần áo chẳng bao giờ tôi phải làm cả, chồng tôi làm hết. Nhưng từ cuối năm 2016, ông ấy mắc căn bệnh ung thư đại tràng, phải xạ trị liên tục nên tôi ngoài đi chạy thận vẫn phải về cơm nước chăm chồng”, bà Hoài nói.
Trước đây khi chưa mắc bệnh, ông Chiên quán xuyến hết mọi việc và một tuần đạp xe đưa bà Hoài đi đến viện chạy thận 3 lần.
Theo lời kể của bà Hoài, từ năm 2009, khi phát hiện ra mình bị suy thận giai đoạn cuối, bà phải khăn gói lên Hà Nội để chạy thận định kỳ và chỉ có chạy thận mới đảm bảo duy trì được cuộc sống.
Cũng kể từ đó, chồng bà cũng theo cùng lên đây chăm bà đi chữa bệnh. “Tôi chạy thận ở BV Bưu Điện. Trước ông ấy chưa mắc ung thư, cứ 1 tuần 3 buổi ông ấy đạp xe vượt 5-7km đưa tôi lên viện chạy thận, rồi lại đưa tôi về…Nhưng bây giờ điều đó đã trở thành kỷ niệm”, bà Hoài nói.
Từ khi ông Chiên mắc căn bệnh ung thư đại tràng, bà Hoài dù mắc trọng bệnh nhưng phải cáng đáng cả việc chăm chồng.
Nói về căn bệnh suy thận của mình, bà Hoài thở dài: “Mắc căn bệnh này cũng giống như bị đi tù chung thân vậy, cả đời sống chung với máy chạy thận. Nếu gia đình nào giàu có thì dần dần cũng sẽ thành nghèo, còn người nghèo như tôi thì sẽ trở nên khánh kiệt, dù đã được bảo hiểm chi trả 100%”.
Bà lý giải, dù chạy thận không phải bỏ ra đồng nào nhưng phải lo chi phí tiền thuốc và các sản phẩm hỗ trợ. Đó là chưa kể tiền nhà, tiền điện, tiền nước hàng tháng.
“Ngày xưa một mình tôi bệnh tật, chi phí mỗi tháng chỉ khoảng 5-6 triệu nhưng bây giờ số tiền đó đã gấp đôi. Quả thật tôi cũng không biết mình kiếm đâu ra mười mấy triệu để tiếp tục duy trì cuộc sống cho hai thân già”, bà Hoài nói.
Dù chạy thận không phải chi trả, nhưng thuốc bổ hàng ngày bà Hoài phải sử dụng rất nhiều.
Tiếp tục câu chuyện về hoàn cảnh khốn cùng của mình, bà Hoài chia sẻ, ngoài những khó khăn về tiền bạc, khi đã mắc căn bệnh này thì ngay cả cái tình, cái nghĩa cũng chẳng thể vẹn toàn.
“Tôi cũng chẳng nhớ là đã đón mấy cái tết ở ngoài Hà Nội rồi nữa, rồi thậm chí đến ngày giỗ mẹ, các em ở quê gọi điện báo tôi cũng chỉ bảo các em thắp giúp cho nén nhang. Cúp máy xong tôi ngồi khóc không ngớt. Thương mẹ, nhớ mẹ lắm mà không thể về thắp hương cho mẹ”, bác Hoài vừa nói vừa rơi nước mắt.
Còn về phía ông Chiên, trao đổi với chúng tôi với giọng nói thều thào, ông bảo: “Khi tôi mắc bệnh, cuộc sống lâm vào cảnh khốn cùng, đã có lúc vợ tôi còn có ý nghĩ hay là cùng nhau chết quách đi cho con cái đỡ khổ. Nhưng rồi tôi lại phải động viên, sống được ngày nào hay ngày đó miễn là được ở bên nhau”.
Bữa cơm của hai "thân già" mang bạo bệnh ở xóm trọ nghèo.
Được biết, vợ chồng ông Chiên, bà Hoài có 3 người con, 2 con trai đi làm xa trong Đắk Lắk, con gái ở Hà Nội cách hơn 40 cây số. Cuộc sống của họ nghèo khó nên chu cấp chữa bệnh cho bố mẹ cũng chật vật.
Khi thời gian đã điểm gần 12 giờ, cuộc trò chuyện dù đang còn dang dở nhưng chúng tôi đành phải tạm gác lại ông Hoài và bà Chiên ăn cơm cho kịp giờ đi bệnh viện.
Trước khi chào tạm biệt, bà Hoài vừa bê mâm cơm vào trong phòng vừa nói: “Ăn xong bữa cơm này là chồng đi đằng chồng (xạ trị tại BV Bạch Mai), vợ đi đằng vợ (chạy thận tại BV Bưu Điện) đến tối về lại mới được gặp nhau”.
No comments:
Post a Comment