Liên tiếp các trường hợp đột tử
Khoảng 10h sáng nay 5/6, một cụ bà 70 tuổi, ở khu vực Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Hà Nội, bị chóng mặt sau đó ngã gục trên đường.
Những người chứng kiến cho biết lúc đó cụ bà đang đi giữa phố Xã Đàn bỗng dưng có biểu hiện chóng mặt và ghé vào bên đường rồi gục xuống. Thấy vậy, người dân khu vực đã nhanh chóng sơ cứu và gọi cấp cứu. Tuy nhiên, khi lực lượng 115 có mặt thì bà cụ đã tắt thở.
Theo ghi nhận của PV, trên chiếc giỏ xe máy của cụ bà vẫn còn nguyên một túi đá lạnh vừa đi mua về. Khu vực xảy ra sự việc rất gần nhà nạn nhân.
Hiện trường nơi cụ bà bị đột tử khi đi dưới trời nắng nóng.
Đến 10h40 phút cùng ngày, lực lượng chức năng cùng gia đình đã đưa thi thể nạn nhân về nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai để khám nghiệm.
Trước đó, khoảng 3h chiều ngày 3/5, một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi được phát hiện chết gục bên gốc cây nhiều giờ tại tuyến đường thôn Lễ Pháp, thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch UBND thị trấn Đông Anh xác nhận vụ việc và cho biết nguyên nhân khiến người đàn ông tử vong có thể là do nắng nóng. Tuy nhiên, để biết nguyên nhân chính xác phải chờ cơ quan chức năng làm rõ.
Dù đã được thông báo trên loa truyền thanh, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có thân nhân người bị nạn đến nhân thi thể. “Trong ngày hôm nay, nếu người thân không đến nhận, chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục, đưa nạn nhân đi an táng”, bà Dung nói thêm.
Phải làm gì khi bị say nắng (sốc nhiệt)
Ths.BS Lương Quốc Chính, Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai cho hay, sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí, nhà không được thông khí tốt. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người ở bất cứ lứa tuổi nào không uống đủ nước, có bệnh mạn tính, hoặc những người uống quá nhiều bia rượu.
Hãy gọi cấp cứu ngay khi phát hiện người bị say nắng.
Khi phát hiện ra người bị sốc nhiệt (say nắng) cần thực hiện các bước sơ cứu ban đầu:
- Gọi tới số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bất cứ sự trì hoãn việc tìm kiếm hỗ trợ y tế nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.
- Trong khi đợi y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu. Đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là một khu vực râm mát, và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.
- Nếu có thể được, đo nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát để hạ nhiệt độ trung tâm cơ thể xuống 38,33 – 38,880C (101 - 1020F). Nếu không có nhiệt kế, không do dự tiến hành sơ cứu.
Có thể thực hiện các phương pháp làm mát sau:
+ Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước
+ Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể.
+ Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.
Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.
Khi đã hồi phục sau sốc nhiệt, cơ thể có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần tiếp theo. Vì vậy, tốt nhất là tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ kết luận đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.
No comments:
Post a Comment