Trẻ hạ đường huyết vì cách cha mẹ để đói tự đòi ăn
“Bỏ đói vài bữa, đói là phải ăn”, “Không ăn thì cho nhịn, sau đói nó khắc ăn”, “Đừng có ép con ăn, nó ăn bao nhiêu kệ nó, miễn con vui vẻ là được”, “Ghét nhất kiểu cho con đi ăn rong, ăn uống là phải nghiêm túc. Không ăn thì bỏ”… là những kinh nghiệm được nhiều bậc cha mẹ chia sẻ trên các diễn đàn làm cha mẹ để “trị” trẻ biếng ăn.
Có thể kích thích trẻ ăn bằng những món con thích, chế biến thức ăn lỏng để trẻ dễ nuốt. Ảnh minh họa
Đã có nhiều cha mẹ thực hiện biện pháp cứng rắn “cho nhịn ăn” này nhưng không phải ai cũng thành công. Mới đây, tại một bé trai 3 tuổi ở TPHCM bị nguy kịch do hạ đường huyết vì quá đói khi mẹ cho nhịn ăn. Khi được đưa đi bệnh viện, bé đã trong tình trạng mệt lả người, ói, ăn uống kém, có biểu hiện co giật. Theo đó, ít ngày trước bé có hiện tượng biếng ăn và được khuyên “cứ kệ con, để khi nào trẻ đói sẽ tự đòi ăn”. Người mẹ nghe theo nghĩ rằng, con đói sẽ tự đòi ăn nên không thúc giục con dù đến bữa nên mới dẫn đến tình trạng nguy kịch của bé.
Chị Minh (ở Hà Nội) cũng “kêu oai oái” vì con lười ăn dù đã cố gắng hết sức dỗ dành, dùng đủ biện pháp. Khi mới ăn dặm con chị rất hợp tác. Sang một tuổi, tự dưng cháu không chịu ăn, cứ ngậm trong mồm rồi lắc đầu. Mẹ cố đút con lại nhè ra. Chị đã làm đủ cách, chia thời gian biểu cho con, ăn đúng cữ nhưng con vẫn lười ăn.
“Tình trạng này kéo dài cả tháng trời, thấy các mẹ thực hiện phương pháp cho con nhịn ăn đến khi đói, thèm ăn thì thôi mình áp dụng theo. Nhưng con mình nhịn ăn một ngày mà vẫn không ăn, chơi quên đói, quên bữa luôn. Sáng nào mình cũng dậy sớm hì hục nấu nướng nhưng con chỉ ăn được một bữa. Có lần con lả người đi vì để cho con nhịn đói cả ngày. Sau lần ấy mình tuyệt đối không để trẻ nhịn hoàn toàn cả ngày, đến bữa vẫn phải cho ăn dù con ăn ít”, chị Minh chia sẻ.
Trước vấn đề này, ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn Dinh dưỡng quốc gia (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, việc kệ con khi đói sẽ tự đòi ăn là tốt. Cách này dựa trên quan điểm tôn trọng nhu cầu ăn uống của con và để con phát triển theo kiểu tự nhiên. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng áp dụng được.
Khi áp dụng cần phải tùy từng đối tượng, tình trạng dinh dưỡng của trẻ và người mẹ cần có kinh nghiệm. Cách này chỉ nên áp dụng với những trẻ có cân nặng bình thường hoặc béo phì mà vẫn lười ăn. Với trẻ đang suy dinh dưỡng phải cẩn trọng không nên áp dụng bởi cơ địa của trẻ đã có sẵn nguy cơ hạ đường huyết.
Hơn nữa, khi áp dụng cần phải theo dõi rất sát sao với trẻ. Đến bữa vẫn phải cho trẻ ăn dù ăn ít cũng được, tuyệt đối không để trẻ nhịn hoàn toàn cả ngày. Khi thấy con có biểu hiện hạ đường huyết như lạnh tay chân, toát mồ hôi… phải cho trẻ uống sữa nóng, nước đường để tránh hạ đường huyết xảy ra.
Ở nước ngoài, họ áp dụng phương pháp này với cả trẻ suy dinh dưỡng biếng ăn nhưng thực hiện ở bệnh viện. Họ phải truyền nhỏ giọt nước hàng ngày luôn. Khi có biểu hiện hạ đường huyết thì tiêm đường vào tĩnh mạch luôn mới áp dụng phương pháp nhịn ăn hoàn toàn này được.
“Nhiều trường hợp giống như trường hợp người mẹ ở trên có thể đã hiểu sai phương pháp này. Trẻ nhỏ mải chơi khi không ép ăn cũng phải xem giờ, đừng để quá giờ ăn lâu quá hay cho con nhịn hoàn toàn. Trẻ khi bị hạ đường huyết không cấp cứu kịp dễ hôn mê. Nếu kéo dài có tổn thương ở não sẽ không hồi phục và nguy hiểm tính mạng”, ThS BS Hải khuyến cáo.
Để trẻ tự hứng thú với bữa ăn
Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng (Bệnh viện 19/8), trẻ con không phải người lớn thu nhỏ, bộ máy tiêu hóa của bé cũng phải hoàn thiện dần, bé ăn gì cũng phải có quá trình làm quen dần với thức ăn mới. Với trẻ nhỏ khi bắt đầu ăn dặm, nguyên tắc là phải chế biến bột hoặc cháo từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, thay đổi các món thường xuyên.
Cha mẹ không nên quá ép con ăn. Tôn trọng sở thích của trẻ không phải là để trẻ nhịn đói mà là giãn cách thời gian bữa ăn để trẻ cảm thấy đói và có hứng thú ăn, chứ không phải là hình thức ép ăn cực đoan. Nếu trẻ không muốn ăn nữa thì không cố ép trẻ ăn. Cha mẹ đừng bỏ quên một nhóm thực phẩm nào đó với trẻ mà phải tập dần cho trẻ làm quen với những nhóm thực phẩm một cách dần dần để luôn có đủ các dưỡng chất với bốn nhóm thực phẩm chính là tinh bột, protein, lipid và rau củ.
Cho trẻ ăn đúng giờ giấc, trước bữa ăn chính không cho con ăn vặt, đồ ngọt để tránh ngang dạ, no không ra no, đói không ra đói. Có thể kích thích con ăn bằng những món con thích hay khi con mệt thì mẹ chế biến thức ăn lỏng hơn vì con sẽ lười nhai. Bữa ăn không nên kéo dài 30 phút. Thay vì cố ép con ăn, các mẹ nên giãn khoảng cách giữa 2 bữa lâu hơn một chút chứ không nên cho nhịn hẳn, mất bữa.
Nếu bé cực kỳ lười ăn như ăn rất ít và kén ăn trong một thời gian dài, từ chối hầu như mọi món kể cả những món trước kia bé rất thích hoặc xuất hiện những dấu hiệu bất thường ở sức khỏe, hành vi của bé… bạn cần đưa bé đi khám bác sĩ dinh dưỡng. Bác sỹ sẽ đưa ra cách để cải thiện chuyện ăn uống của bé hoặc nếu cần sẽ chỉ định cho dùng thuốc.
ThS.BS Lê Thị Hải cho rằng, trẻ biếng ăn, lười ăn quan trọng nhất là món ăn không mới lạ, không hấp dẫn cả về hình thức và hương vị. Bởi vậy, để giúp trẻ có hứng thú trong việc ăn uống thì các bậc cha mẹ cũng cần chú ý đến cách chế biến, hương vị và trang trí món ăn sao cho đẹp mắt, hợp khẩu vị để trẻ hào hứng “khám phá” và tập trung toàn bộ giác quan vào bữa ăn, thức ăn và cách ăn. Ngoài ra, để tăng trao đổi chất và hấp thu tốt, trẻ cần được ngủ đủ giấc và tham gia nhiều hoạt động thể thao. |
No comments:
Post a Comment