Hình thức kinh doanh online hiện nay đang trở thành công việc làm thêm "hot", thậm chí là nguồn thu nhập chính của khá nhiều người, trong đó phần lớn là những chị em công sở.
Trước thông tin người bán hàng online sẽ phải đóng thuế, thậm chí có thể bị xử lý lý hình sự khiến nhiều người không khỏi sự lo lắng. Câu hỏi được quan tâm lúc này là họ cần phải làm gì để không vi phạm pháp luật khi kinh doanh trên mạng xã hội. Và nếu cứ... "bất chấp" thì sao, bởi thực tế không ít chị em công sở chẳng màng gì đến những quy định mới đây và không bao giờ tin mình sẽ bị "hỏi thăm" vì một vài gian hàng trên Facebook để kiếm thêm hộp sữa cho con.
Vạn gian hàng online vào "tầm ngắm"
Mới đây, thông tin 13.500 người bán hàng trên Facebook tại TP.HCM được cơ quan thuế mời làm việc đã gây sự chú ý đặc biệt. Trên rất nhiều diễn đàn, vấn đề này thu hút nhiều người tham gia bình luận và nêu ý kiến.
Từng trả lời trên báo chí về câu chuyện này, ông Nguyễn Nam Bình - Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, về nguyên tắc, chủ tài khoản Facebook có kinh doanh thường xuyên phải kê khai thuế. Do vậy, cơ quan thuế đã triển khai công tác này từ tháng 5/2017, trên cơ sở sàng lọc nhiều lần các tài khoản kinh doanh trên Facebook.
Trước mắt, hệ thống dữ liệu sẽ lọc những tài khoản có hoạt động kinh doanh, sau đó lọc tiếp một lần nữa những tài khoản chưa đăng ký kinh doanh và kê khai thuế để tiếp xúc, vận động họ hoàn thành nghĩa vụ.
Theo ông Bình, trong đợt này, tại TPHCM có gần 13.500 chủ tài khoản Facebook được mời lên làm việc. "Bước đầu, chúng tôi chỉ muốn tiếp xúc và tìm hiểu xem việc kinh doanh của họ có lâu dài không? Đã đăng ký thuế hay chưa? Nếu việc kinh doanh này được duy trì và chưa kê khai thuế thì sẽ vận động họ đăng ký và kê khai đầy đủ", ông nói và cho biết chỉ những trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm mới phải nộp thuế. Đồng thời, việc này được giao về cho chi cục thuế các quận thực hiện.
Tuy nhiên, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết, không có ai đến làm việc!
Bán hàng online phải đóng thuế (ảnh minh họa)
Lãnh đạo Cục thuế TP HCM cho rằng, nếu các chủ tài khoản Facebook được mời nhưng không lên làm việc, cơ quan thuế sẽ có những biện pháp thích hợp, thậm chí xuống tận địa chỉ kinh doanh để kiểm tra, vận động...
Trao đổi với PV, chị Hồng Hà, chủ một shop thời trang trẻ em trên Facebook (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Ý tưởng ban đầu của chị chỉ xem việc bán hàng trên Facebook là một nghề tay trái. Nhưng sau đó, thấy lợi nhuận nên đầu tư thêm. Theo chị Hà, việc đánh thuế người bán hàng nhỏ lẻ trên mạng xã hội dễ bị nói là tận thu. Chính vì vậy cần phải có quy định rõ ràng, để tránh việc thực hiện thiếu công bằng.
Trong khi đó, một chủ gian hàng online khác tên Nhung băn khoăn rằng việc kinh doanh trên Facebook mỗi tháng của chị chỉ kiếm thêm được khoảng 1 đến 2 triệu đồng, nếu đóng thuế thì không biết còn gì nữa: "Facebook là một mạng xã hội, những người sử dụng đăng những sản phẩm lên bán hoặc đăng chơi thôi, mà biết đăng lên có bán được hay không mà đòi thu thuế. Mặt khác, chi phí quảng cáo trên Facebook là khá đắt đỏ, quảng cáo rất hay bị lỗ nên việc thu thuế là không khả thi. Cơm thì ngày nào cũng phải ăn, Nhưng hàng hóa không phải ngày nào cũng bán được".
Có thể bị xử lý hình sự?
Theo quy định hiện hành, các trang Facebook bán hàng, trang mạng bán hàng online không phải đăng ký nếu chủ sở hữu trang mạng đó chỉ phục vụ riêng cho mục đích bán hàng cá nhân.
Tuy nhiên, nếu điều 292 BLHS 2015 có hiệu lực, thì việc chủ sở hữu có một trong các hoạt động như cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ trên trang của mình nhưng không đăng ký hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội danh “Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Theo đó, các hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản; sàn giao dịch thương mại điện tử; kinh doanh đa cấp; trung gian thanh toán; trò chơi điện tử trên mạng và các dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc kinh doanh không đúng nội dung giấy phép đã được cấp mà thu lợi bất chính từ năm mươi triệu đồng hoặc có doanh thu từ năm trăm triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự.
Trao đổi với PV về vấn đề trên, luật sư Lê Văn Khương (Đoàn luật sư TPHCM) bày tỏ quan điểm: Nếu một cá nhân hoặc tổ chức đã có đăng ký hoạt động kinh doanh và kê khai thuế cho hoạt động kinh doanh của mình, rồi sử dụng Facebook như phương tiện để quảng bá sản phẩm thì hoàn toàn chấp nhận được.
Trường hợp, nếu cá nhân hoặc tổ chức đa kinh doanh ngành nghề khác với những gì chào bán trên Facebook thì cá nhân hoặc tổ chức đó phải có trách nhiệm đăng ký bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh đang hoạt động. Có như vậy việc quản lý nhà nước của cơ quan hữu trách mới trở nên chặt chẽ hơn.
Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trên nên tuyên truyền để cá nhân, tổ chức biết về việc đăng ký, khai báo. Nếu sau một thời gian tuyên truyền và hướng dẫn đăng ký, mà các cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh không thực hiện thì lúc đó hãy tính tới chuyện xử lý. Chính vì lý do đó cho nên, nếu áp dụng điều 292 BLHS 20015 ở thời điểm này là không phù hợp.
No comments:
Post a Comment