Cảnh quay từ camera giám sát của cảnh sát ghi lại từ đầu đến cuối vụ việc, xảy ra tại một giao lộ đông đúc ở thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đoạn băng này sau đó vài ngày bắt đầu được lan truyền trên mạng xã hội.
Các cư dân mạng đã kinh hồn táng đảm khi thấy cảnh một người phụ nữ đang đứng giữa một lối băng qua đường thì bị một chiếc taxi đâm phải hất tung, khiến cô nằm bất động trên đường phố.
Sự kinh hoàng của người xem nhanh chóng chuyển biến thành sự phỉ báng khi những người xung quanh đi lướt qua người phụ nữ mà không một ai dừng lại để xem xét hay tìm biện pháp cứu giúp, gọi dịch vụ khẩn cấp... Điều này dẫn đến việc vài phút sau cô gái nằm trên đường tiếp tục bị một chiếc xe SUV nghiền nát.
Một cuộc tranh luận kịch liệt về đạo đức đã nổ tung trên mạng liên quan đến sự kiện bi thảm này.
Một số người đổ lỗi cho sự thờ ơ lạnh lùng của những người qua đường, vốn được dạy dỗ thấm nhuần kinh nghiệm không nên cứu giúp người lạ đang gặp khó khăn. Số khác lại đổ lỗi cho người phụ nữ đó vì cho rằng cô đang cố tự sát hoặc cố lừa gạt bất cứ người nào đến giúp cô ta. Những người này lưu ý mọi người xem kĩ thái độ của người phụ nữ vào đoạn đầu của clip trên.
Trong những năm gần đây, hiện tượng pengci (bính sứ - thời trước có những kẻ hay bày đồ sứ dễ vỡ ra đường rồi nhằm xem ai đụng phải vỡ thì lao ra ăn vạ bắt đền) ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc khi những kẻ lừa đảo cố tình lao mình vào xe cộ để hy vọng kiếm được một số tiền lớn nhờ ăn vạ lái xe. Hoặc giả có những người già giả vờ ngã ra đường rồi ăn vạ những ai tới cứu giúp họ. Và sự thật đáng buồn rằng những người tốt đã gặp phải vô vàn rắc rối về pháp lý, bị công kích oan uổng từ xã hội, thua kiện phải đền tiền nên mới dẫn tới hiện tượng thờ ơ trên.
Một cư dân mạng viết: "Nói thật, nếu tôi ở tình huống tương tự như vậy, gặp ai đó đang cần giúp đỡ, tôi sẽ gọi cho các dịch vụ cứu giúp khẩn cấp chứ cũng không làm gì khác. Còn lý do tại sao ư? Vậy thì hãy nhớ lại sự kiện thẩm phán ở Nam Kinh."
Ở đây, cư dân mạng này đang đề cập đến trường hợp nổi tiếng vào năm 2006 của Peng Yu, một nam thanh niên người Nam Kinh đã giúp đưa một bà cụ bị thương đến bệnh viện, để rồi sau đó bị bà ta kiện. Rắc rối pháp lý này dẫn đến việc anh bị thua kiện vì thẩm phán lập luận rằng anh đã làm trái với quy luật thông thường: "Peng chắc chắn đã phạm tội. Nếu không tại sao anh ta lại giúp đỡ bà cụ kia?".
Trong hơn một thập kỷ qua, trường hợp này đã được sử dụng nhiều lần như là một lời giải thích cho việc thiếu lòng tốt Trung Quốc - ngay cả khi sau 6 năm, người ta đã tiết lộ là khi đó Peng đã thực sự đẩy ngã bà cụ kia khi rời khỏi xe buýt.
Hiện tượng "bo bo giữ mình" này còn được người ta dùng để giải thích cái chết bi thảm của bé gái Yue Yue, 2 tuổi bị bỏ mặc trước một ngõ hẻm ở Foshan trong năm 2011, sau khi bị xe đâm bởi ít nhất 18 người qua đường. Cuối cùng, một người thu gom rác đã nhìn thấy và gọi người đến giúp đỡ. Cô bé được đưa đến bệnh viện, nơi bé đã qua đời 8 ngày sau đó.
Một cư dân mạng đã cáo buộc rằng chính sự thờ ơ đã giết chết bé Yue Yue và người phụ nữ ở trên: "Luật pháp không bảo vệ người tốt, nó chỉ giúp người xấu. Người tốt không muốn bị buộc tội là người xấu, do vậy họ chỉ có thể trở thành người qua đường."
Trong khi một số người ồn ào chỉ trích những người qua đường thờ ơ thì một số cư dân mạng khác lại đồng tình với họ. Những người này cũng thừa nhận rằng mình cũng sẽ không tiến đến trợ giúp cho người phụ nữ này - và không thể nói họ là người xấu chỉ vì đã làm như vậy.
Để đáp lại tình trạng này, cư dân mạng Trung Quốc lại một lần nữa kêu gọi đạo luật “Good Samaritan” cần được áp dụng phổ biến hơn để giúp bảo vệ những anh hùng trợ giúp người lạ tránh được những nguy cơ bị kiện cáo. Trong những năm gần đây, các địa phương (như Thượng Hải, Thâm Quyến) đã đưa vào áp dụng điều luật “Good Samaritan”, nhưng điều khó khăn hơn thế là cần phải thay đổi suy nghĩ của người dân.
No comments:
Post a Comment