Khu vực cô gái nằm ngất sau khi ăn cay
Mới đây, dân mạng Việt chia sẻ clip dài hơn một phút với nội dung: “Cô gái trẻ bị sốc phải nhập viện vì ăn mỳ cay cấp độ 7”.
Vụ việc xảy ra vào tối 2/10 tại quán mỳ cay Hàn Quốc ở TP.Vinh, Nghệ An. Trong clip, cô gái bị sốc và ngất xỉu sau khi thưởng thức món mỳ này.
Sáng 3/10, nhân viên thu ngân của quán mỳ cay cho biết, tối 2/10 đã xảy ra sự việc như trên và cô gái này chỉ ăn mỳ cay ở cấp độ 4, chứ không phải cấp độ 7 như những thông tin được chia sẻ trên mạng.
Nữ nhân viên này cũng cho biết thêm: "Do lúc đó quán đông người, có thể do thể trạng của cô gái kia yếu nên mới xảy ra việc ngột ngạt. Ở đây có nhiều người đến quán ăn cả cấp độ 7 nhưng vẫn bình thường".
Cô gái sau khi bị sốc vì ăn mỳ cay đã được người thân đưa ra khỏi quán cho dễ thở và nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Từ sự việc này, chia sẻ với phóng viên, GS.TS.Tạ Long, Chủ tịch Hội Tiêu Hóa Việt Nam cho biết, thói quen ăn cay có những tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Theo GS. Tạ Long, những món cay, ấm nóng thì phù hợp với xứ lạnh hơn. Mỗi người có một ngưỡng ăn cay nhất định. Mức độ, khả năng hấp thu, chịu đựng độ cay của cơ thể mỗi người khác nhau. Bất cứ cái gì ăn với liều lượng quá nhiều thì đều gây độc, ăn cay quá cũng vậy, nếu như độc cấp tính thì phải vào bệnh viện rửa ruột.Vì vậy, chỉ nên ăn ở mức độ khi cơ thể thấy vừa đủ để không ảnh hưởng sức khỏe. Trường hợp, cô gái trẻ nhập viện do ăn quá cay, bị kích thích đường tiêu hóa, đau bụng và phải nhập viện.
Chủ tịch Hội Tiêu Hóa Việt Nam cảnh báo, khi ăn quá cay, cơ thể cảm giác nóng, bồn chồn, nôn ói, tiêu chảy. Đó là cơ chế phản ứng tự bảo vệ cơ thể, để đưa độc tố ra vì khi không hấp thu được. Nếu sau khi nôn ói vẫn chưa hết, chất độc đã xuống dưới cơ thể, không nôn được nữa thì sẽ gây ra tiêu chảy để đẩy hết độc ra.
Còn nếu nặng quá, tiêu chảy nhiều lần, gây rối loạn nhiều bộ phận trong cơ thể, bắt buộc phải nhập viện để cân bằng lại tình trạng ban đầu. Với đường tiêu hóa có một lớp tiết nhầy để bảo vệ, nếu ăn cay quá, có thể phá hủy lớp nhầy của niêm mạc, chất cay tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc ảnh hưởng đến dạ dày.
Đối với món mì cay, nếu có bột ớt đỏ nhuộm màu có thể chứa Sudan là chất gây ung thư. Ngoài ra, bột ớt hoặc ớt tươi bị mốc còn chứa chất alfatoxin cũng có khả năng gây ngộ độc và ung thư.
Do vậy, không nên lạm dụng ớt như một món khoái khẩu mà nên sử dụng ở mức độ vừa phải để không gây ảnh hưởng lên các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Đặc biệt, những người thường xuyên ăn các đồ cay có thể gây bỏng ở miệng, lở miệng, có thể nổi mụn nhọt, nóng rát vùng dạ dày, đi tiêu có cảm giác nóng rát ở hậu môn...dễ mắc bệnh trĩ. Vì vậy, nếu ăn ớt thì nên vừa đủ, không nên dùng quá nhiều.
“Người vốn mắc các bệnh đường tiêu hóa, mắc bệnh dạ dày, đại tràng, sỏi mật hay những người đang uống thuốc đều không nên ăn ớt bởi nó sẽ trực tiếp gây hại sức khỏe”, GS.Tạ Long cảnh báo.
Chủ tịch Hội Tiêu Hóa Việt Nam khuyên, nếu thích ăn đồ cay, mỗi tuần ăn cay hai ba lần là đủ, không nên ăn liên tục, không ăn vào buổi tối, càng không nên thử trong khi bản thân không thể tiếp nhận được những đồ quá cay.
No comments:
Post a Comment