Như chúng tôi đã đưa tin, trong thời gian qua số trẻ bị bỏng do sinh hoạt đang có chiều hướng gia tăng. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chỉ tính riêng trong tháng 9 đã có 78 trẻ bị bỏng do sinh hoạt.
Theo nhận định của các bác sĩ nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng chủ yếu là do sự chủ quan của phụ huynh, ngoài ra nhiều trẻ bị bỏng nặng là do sự thiếu hiểu biết nên tự điều trị ở nhà.
BS Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, thông thường bỏng được chia làm 4 loại chính: bỏng nhiệt, bỏng điện, bỏng hóa chất và bỏng do tia vật lý.
“Tại khoa Bỏng, ngoài các trẻ đến cấp cứu do bị bỏng nhiệt thì một vấn đề rất đáng cảnh báo là bỏng điện. Loại bỏng này đa số xảy ra vào mùa hè, khi trẻ thả diều và bị điện phóng, cũng như bị điện giật do sự bất cẩn từ trong gia đình”, BS Thống cho biết.
Đối với bỏng, dù là bỏng do nguồn nào cũng vô cùng nguy hiểm. Các bác sĩ chuyên khoa bỏng nhận định, bị bỏng rất dễ tử vong và để lại nhiều di chứng, điều trị rất tốn kém. Ngoài ra, bị bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như diện tích bỏng, độ sâu của bỏng hoặc phụ thuộc vào tuổi, vào vị trí bỏng và phương pháp điều trị ban đầu.
Theo BS Thống, khi bị bỏng việc đầu tiên đó là phải bình tĩnh, bởi bỏng là 1 thảm họa, không như những căn bệnh khác nó diễn biến từ từ.
“Tôi ví dụ, một đứa trẻ đang bụ bẫm, đẹp như tranh nhưng không may bị bỏng nước sôi, người loang lổ, khi đó bà mẹ rất dễ hoảng loạn và làm mọi cách để chữa cho con. Nếu chữa không đúng cách sẽ làm trẻ bị nặng thêm”, BS Thống phân tĩnh.
Ngoài bình tĩnh, khi gặp nạn nhân bị bỏng cần phải có biện pháp sơ cứu đúng cách, kịp thời. Trong trường hợp bị bỏng điện thì dùng biện pháp an toàn để tách nguồn điện.
Còn bị bỏng do nướng mực bằng cồn, nếu hoảng loạn càng chạy thì càng bị nặng thêm, cơ thể sẽ như ngọn đuốc sống. Khi đó, cần phải cho nạn nhân nằm xuống để dập ngọn lửa.
Sau đó dùng nước để rửa vết thương, tốt nhất là nước có nhiệt độ khoảng 20-25 độ, việc dùng nước làm lạnh sẽ giúp nạn nhân hạn chế sự phát triển vết thương, giảm phù nề…
Tiếp theo, dùng kéo cắt quần áo cho nạn nhân, người sơ cứu cần phải nhớ không nên dùng tay xé quẩn áo trên người nạn nhân, vì như vậy nếu bị bỏng dính quần áo vào da thịt sẽ khiến nạn nhân bị thương sâu thêm.
Ngoài ra, lấy hết những đồ trang sức trên người nạn nhân để khỏi bị cọ xát vào vết thương. Cuối cùng là dùng bông băng y tế (vải mềm) cuốn bên ngoài vết bỏng vừa đủ và chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
“Đặc biệt, không bôi bất kỳ loại thuốc nào đối với các nạn nhân khi bị bỏng, sau khi sơ cứu như trên, cần chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và can thiệp kịp thời”, BS Thống nhấn mạnh.
No comments:
Post a Comment