Theo đó, nhiều phụ huynh có con đang học tại trường tiểu học L.M.C.N (huyện Củ Chi, TP.HCM) ngỡ ngàng khi nhận được thông báo cho con mình học phụ đạo riêng chương trình lớp 2, lớp 3 vào buổi chiều. Theo tìm hiểu của PV, có 21 học sinh học khối lớp 5 nhưng không theo kịp kiến thức và phải học thêm buổi chiều kiến thức các lớp 1,2,3,4.
Em N.D.N dù đang là học sinh lớp 4 nhưng vẫn chưa làm các phép tính cơ bản cộng trừ nhân chia phạm vi từ 1 đến 20. Phụ huynh của em là chị Lê Thị H. chia sẻ: “Gia đình cũng không hiểu vì sao con học sinh khá giỏi những năm trước, nhưng giờ vẫn theo học phụ đạo thêm buổi chiều để bổ sung kiến thức cơ bản. Sau đó, hỏi giáo viên chủ nhiệm thì được biết, do con mình không theo kịp các bạn, nên nhà trường đã chủ động cho phụ đạo buổi chiều.
Tôi nghĩ, nếu đánh giá cuối năm học lực khá giỏi có lẽ kiến thức đã ổn. Không ngờ khi biết sự thật, gia đình vô cùng ngỡ ngàng. Sau đó, chúng tôi cũng nghĩ, nhà trường cho lên lớp để lấy thành tích, chứ thực ra với lực học của con, chúng tôi đều biết, không thể là học sinh giỏi được. Từ đó, gia đình đồng ý việc cho con đi học thêm phụ đạo kiến thức như nhà trường thông báo”.
Các em học sinh trường L.M.C.N ( ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Chị Nguyễn Thị H., phụ huynh học sinh L.T.P, học sinh khối lớp 5 trường tiểu học L.M.C.N cho biết: “Đầu năm đến nay, con tôi được nhà trường thông báo phải theo học phụ đạo chương trình để có kiến thức và theo kịp các bạn. Biết con mình yếu, gia đình cũng đồng ý đưa con đi học đến nơi đến chốn.
Thực ra, những năm trước, gia đình không có nhiều thời gian kèm cặp con học, nên chuyện học lực yếu so với các bạn cùng trang lứa chúng tôi đều hiểu. Ba mẹ đi làm công nhân, có lúc tăng ca, về nhà thời gian nghỉ ngơi không có, con học tới đâu hay tới đó. Mong là thời gian tới, chuyện học của con sẽ được cải thiện. Học sinh lớp 5 nhưng có lúc mẹ hỏi tính toán những phép cộng trừ đơn giản cũng không biết. Cô giáo chủ nhiệm cũng nhắc nhở nhưng gia đình cứ bỏ bê, dần dần, không học kịp chương trình với các bạn”.
Cũng theo chị H., chuyện con chị không theo kịp các bạn, ngoài chuyện bỏ bê việc học, thiếu chăm sóc gia đình, con chị còn có dị tật bẩm sinh ở não. Chuyện này cũng được nhà trường hiểu và cảm thông cho con. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã công nhận.
Điều đáng nói, những năm học lớp 2, lớp 3 em P. còn được công nhận là học sinh giỏi. Cuối năm, gia đình nghe học sinh giỏi là yên tâm. Nhưng sau này chị H. hỏi ra mới biết, cả lớp Phong bạn nào cũng đều là học sinh giỏi.
Không chỉ em P., hàng chục học sinh khối lớp 5 khác đều có điểm chung là viết chính tả sai, tính toán chậm và kỹ năng đọc yếu. Do đó, lãnh đạo nhà trường quyết định có kế hoạch phụ đạo cho các em.
Những kiến thức cơ bản nhất như đánh vần, đọc chữ, chính tả, tập làm văn và tính toán cơ bản những phép cộng, trừ, nhân, chia theo chuẩn chương trình tiểu học, cụ thể các lớp 1,2, 3 và 4.
Một giáo viên nhà trường khẳng định: “Thực ra, chuyện các em học lực yếu kém hiện nay, một phần do các em có dị tật về trí tuệ, cái này có giấy chứng nhận của chính quyền, số em còn lại nắm bắt chậm nhưng gia đình không quan tâm chuyện học sâu sát. Ở trường có thể các em biết đọc biết viết, nhưng về nhà cũng cần phải rèn luyện thì lên lớp trên kiến thức mới vững được.
Mỗi học kỳ, năm học, các em đều được đánh giá kết quả học tập. Trong học bạ đều phê đủ điều kiện lên lớp, và có học sinh từng xếp loại khá, giỏi. Một số thầy cô làm theo quy định là không được cho học sinh ở lại lớp, nên đã tìm cách cho các em lên lớp, rồi phụ đạo cho các em sau”.
Ông Ng.V.R. – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Chuyện học lực của một số em học sinh quá yếu kém, nhà trường cũng đã nắm danh sách và lên kế hoạch phụ đạo ngay từ đầu năm nay. Thế nhưng, có thể do các em có chứng hay quyên, bắt nhịp với các bạn chậm hơn.
Nhà trường có kế hoạch phụ đạo riêng cho từng em, mong là sẽ cải thiện và nhanh chóng đưa các em theo kịp chương trình. Trước đó, một số em cũng đã học phụ đạo hè, học bồi dưỡng thêm, nhưng sau đó, các em lại quên hết. Chính vì thế, giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường rất đau đầu”.
Chúng tôi tiếp tục phản ánh sự vụ này.
No comments:
Post a Comment