Thursday, October 27, 2016

Lời kể 'ớn lạnh' của 3 thuyền viên bị cướp biển giam cầm gần 5 năm

Chiều tối ngày 26/10, khi chiếc xe chở 2 thuyền viên bị bọn cướp biển Somalia bắt giữ, giam hãm trong suốt 5 năm vừa chạm đến quê nhà Hà Tĩnh, đã có rất nhiều, những giọt nước mắt rơi xuống cho giây phút đoàn viên.

Đó là nước mắt của những người thuyền viên, 5 năm lênh đênh trên biển, không nguôi hi vọng được trở về nhà; là nước mắt của người mẹ mòn mỏi ngóng tin con nơi phương xa; của người vợ cô quạnh, chờ chồng suốt hơn 1.800 ngày; cả giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt thơ ngây, của những đứa con lớn lên thiếu bố. Tất cả, như vỡ oà trong niềm hạnh phúc.

Đối với 2 thuyền viên tại Hà Tĩnh là anh Nguyễn Văn Hạ (SN 1981), trú thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh và anh Nguyễn Văn Xuân (SN 1981), trú tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, ngày về như một kỳ tích đối với họ. Được chạm chân trên đất quê nhà, khóc trong vòng tay gia đình, bà con chòm xóm là ước mơ luôn canh cánh, theo họ vào những giấc ngủ mê man xứ người.

Người thân, gia đình anh Hạ vỡ òa hạnh phúc, trong giờ phút đoàn viên.

Trước đó, hay tin 2 thuyền viên Hạ và Xuân đang trên đường về quê, rất đông người thân, họ hàng, bạn bè và bà con thôn xóm đã tập trung tại QL1A, để chờ đón các anh. Khi họ vừa đặt chân lên mảnh đất quê hương, cũng là lúc Hà Tĩnh xẩm tối. Những ánh đèn nhập nhoạng của các phương tiện qua lại, vẫn đủ rọi sáng những khuôn mặt mừng tủi, sau bao ngày xa cách.

Được về quê nhà, anh Hạ xúc động nghẹn ngào thốt lên: “Hết sức sung sướng! 5 năm sống giữa cái chết trình rập, súng đạn vô tình, đau ốm, mỗi ngày chúng tôi chỉ được 1 lít nước giữa cái nắng Đông Âu. Anh em tôi không dám nghĩ đến ngày hôm nay, chỉ mơ thôi cũng thấy nó xa vời. Cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ gia đình tôi suốt thời gian vừa qua”.

Bên ấm nước chè người vợ om sẵn đợi chồng về, anh Hạ bắt đầu kể cho mọi người nghe chặng hành trình "ớn lạnh", mình vừa trải qua. Theo lời kể của thuyền viên Hạ, trước đó, tháng 3/2012, khi anh và 28 người khác đang làm việc trên tàu FV Naham 3, tại vùng biển Ấn Độ Dương, bất ngờ có một chiếc tàu khác tăng tốc bám theo. Sau một hồi rượt đuổi, chiếc tàu này áp sát và bắt tàu anh dừng lại.

Một toán người bên đó nhảy sang, dùng súng và dao uy hiếp, bắt tất cả các thuyền viên trên tàu FV Naham 3 làm con tin. Chúng bịt mặt mọi người và bắt thuyền trưởng lái tàu chạy về đất liền của nước Somalia, khi gần đến bờ thì mới được mở mắt.

Tổng số con tin ban đầu là 29, trong đó có người Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Campuchia và Đài Loan. Tuy nhiên, sau đó có 1 người bị thiệt mạng ngay trong vụ cướp tàu, 2 người khác qua đời vì bệnh tật.

Anh Hạ kể lại những tháng ngày bị bọn cướp biển giam cầm.

“Tôi không nhớ rõ họ có bao nhiêu người, nhưng hầu như tất cả đều có súng. Sau khi bị bắt, con tàu của bọn cướp lênh đênh trên biển, khoảng 1 năm thì bị vỡ neo. Sau đó, chúng phải tấp vào một khu rừng. Chúng tôi đã trải qua gần 3 năm tối tăm trên hòn đảo ấy. Khi vừa lên bờ, cướp biển Somalia ra lệnh cho chúng tôi gọi điện về gia đình, để đòi tiền chuộc. Chúng đưa điện thoại cho các con tin gọi và phải nói theo hướng dẫn của chúng, nếu trái lệnh sẽ bị đánh đập, thậm chí có thể bắn chết”, anh Hạ bàng hoàng kể lại.

Tiếp câu chuyện, anh Xuân kể thêm: “Chúng tôi gồm 26 người, bị bọn cướp biển nhốt cùng một chỗ. Nhưng chúng lại chia các thuyền viên ở mỗi quốc gia một phòng riêng. 3 người Việt Nam chúng tôi được họ nhốt tại một phòng, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài".

Gia đình, người thân, bà com chòm xóm vui sướng khi anh Xuân trở về.

Tuy gương mặt hiện rõ sự mệt mỏi sau một chặng hành trình dài, nhưng anh Xuân vẫn kể tiếp cho chúng tôi nghe: "Các con tin chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh và Trung. Còn với bọn cướp, chúng tôi nói bằng tiếng Somalia. Trong gần 5 năm qua, đối với các con tin, những ngày tháng bị giam cầm là chuỗi thời gian tồi tệ nhất cuộc đời".

"Đến khi hay tin được giải thoát khỏi nơi giam cầm, mấy anh em ôm nhau khóc như một đứa trẻ, không ai dám tin ngày này đã thành hiện thực. Chúng tôi đã có những đêm không ngủ vì hồi hộp, phấp phỏng lo lâu ngày về. Đến khi được đưa về tới khách sạn, mấy anh em mới dám tin, mình đã được "tái sinh lần 2". Ngày 23/10/2016, các thuyền viên đã về đến thủ đô Nairobi của Kenya. Ngày 25/10, chúng tôi về tới sân bay Nội Bài", anh Xuân cho hay.

Cuộc chuyện trò bị ngắt quãng, bởi dòng người tìm đến chia vui cùng các anh và gia đình đã đông hơn.

Ở một diễn biến khác, tại xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), anh Phan Xuân Phương (27 tuổi) - thuyền viên trong vụ bị cướp biển bắt, giam hãm gần 5 năm nói trên, cũng đang hạnh phúc trong ngày đoàn viên cùng với gia đình.

Anh Phương ôm chầm lấy mẹ khi được trở về nhà.

Vừa về đến nhà, anh Phương ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở. Bởi sau gần 5 năm xa nhà, đôi chân mẹ anh đã không còn đi được nữa, mà anh không hề hay biết.

“Tôi rất vui sướng khi được trở về với quê hương, được gặp gỡ cha mẹ, anh chị em và hàng xóm bấy lâu nay mong chờ tôi từng ngày”, anh Phương khóc nói.

Ấm áp trong vòng tay gia đình sau gần 5 năm bị cướp biển giam cầm.

Giọt nước mắt rớt xuống, nhưng nụ cười lại nở tròn trịa trên môi những người dân miền Trung, trong buổi chiều xẩm tối ấy. 5 năm cách biệt, bặt vô âm tín, giờ phút đoàn viên này, họ cần dành cho nhau nhiều thời gian hơn, chúng tôi hiểu ý, lặng lẽ rút dần.

Trước đó, tháng 3/2012, cướp biển Somalia đã bắt giữ các thủy thủ trên tàu FV Naham 3 làm con tin, trong đó có người Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Campuchia và Đài Loan. Tổng số con tin ban đầu là 29, nhưng một người đã thiệt mạng ngay trong vụ cướp tàu, hai người khác qua đời vì bệnh tật.

Ngày 23/10/2016, các thuyền viên bị cướp biển Somali bắt giữ 4 năm trước đã về đến thủ đô Nairobi của Kenya và đáp chuyến bay về nhà để đoàn tụ với người thân sau thời gian dài xa cách.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment