Friday, October 28, 2016

Liên tiếp có trẻ nhập viện do bị rắn độc cắn

Tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, chỉ tính riêng trong vòng một tháng qua, khoa này đã tiếp nhận 3 bệnh nhi bị rắn độc cắn, điều đáng nói các trường hợp bị rắn cắn đều dưới 5 tuổi.

Theo lời kể của gia đình các bệnh nhi, các cháu bị rắn cắn khi đang chơi quanh sân nhà, gần bụi cỏ, có bé đi nghỉ cùng gia đình chơi trên bãi cỏ thì gặp nạn. Thậm chí, có trường hợp khi con bị rắn cắn, bố mẹ còn cầm theo cả con rắn độc đến bệnh viện.

PGS Nguyễn Tiến Dũng đang thăm khám cho một bệnh nhi bị rắn độc cắn.

Các bác sĩ cho biết, các bệnh nhi bị rắn cắn khi vào viện vẫn ở trong tình trạng tỉnh táo, vết cắn ở bắp chân, mu bàn chân thì bị sưng, phù nề. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Rất may các bé được đưa đi viện kịp thời nên chỉ sau một tuần điều trị đã có thể xuất viện.

Cũng liên quan đến vấn đề này, thời gian vừa qua tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra tình trạng rắn độc (rắn lục đuôi đỏ) cắn người. Thống kê của Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 121 cho thấy, bình quân mỗi tháng có khoảng 100 người ở các tỉnh ĐBSCL nhập viện điều trị do bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Để đề phòng rắn cắn, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo các gia đình không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát… vì đây thường là những nơi cư trú của rắn.

Mọi người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm. Các gia đình cần kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà. Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, mùa màng thu hoạch và ban đêm.

Ngay cả khi rắn đã chết cũng có thể gây độc cho con người.

Đối với trường hợp bị rắn độc cắn cần phải sơ cứu ngay lập tức. Khi có người bị rắn độc cắn thì không để nạn nhân tự đi lại, cần phải bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.

Áp dụng biện pháp băng ép bất động cho nạn nhân khi bị một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang…) cắn nhằm làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Riêng đối với nạn nhân bị rắn lục cắn thì không cần băng ép.

Cuối cùng, vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).

Theo các bác sĩ, nhiều người sau khi bị rắn cắn thường hay dùng biện pháp garô, trích vùng rắn cắn, hút nọc độc, gây điện giật, chườm lạnh…Tuy nhiên, những phương pháp này không có tác dụng trong việc sơ cứu cũng như cứu chữa nạn nhân.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment