Vừa qua, một phụ huynh đã đăng tải trên mạng xã hội hình ảnh những chiếc bánh mì không nhãn mác mà trường Mầm non Thị trấn Lim 2 (Tiên Du – Bắc Ninh) để cho hơn 400 học sinh của nhà trường ăn. Ngay lập tức, hình ảnh này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Được biết trước đó, từ ngày 26/9 đến 30/9 có nhiều học sinh của nhà trường bị đau bụng, tiêu chảy phải nghỉ học. Một số phụ huynh nghi ngờ thức ăn của nhà trường có vấn đề là nguyên nhân gây nên tình trạng nhiều học sinh bị ngộ độc nên trưa 3/10 đã vào bếp của trường kiểm tra thì phát hiện số bánh mì để cho các con ăn bữa phụ không hề có nhãn mác. Đó là chưa kể, còn những suất cơm trưa bị sống.
Hình ảnh những chiếc bánh mì không nhãn mác trong khu nhà bếp của trường
Ngay sau khi sự việc được phát giác, rất nhiều phụ huynh tỏ ra rất bức xúc và lo ngại về sức khỏe của con em mình.
Chị N.T. T có con đang theo học tại trường Mầm non Thị trấn Lim 2 cho hay: “Hôm 28/9 vừa qua, khi đón con ở trường về, con có hiện tượng đầy bụng và nhăn nhó kêu đau. Bữa tối, con ăn không ngoan như mọi ngày. Dỗ dành mãi con mới ăn được một ít cơm sau đó lại nôn ra hết. Từ lúc tối đến đêm, con có hiện tượng tiêu chảy nên gia đình đã cho con đi bệnh viện.
Ngoài con mình, còn rất nhiều bạn khác cũng bị nôn và tiêu chảy phải nghỉ học ở nhà. Nếu hôm vừa rồi, phụ huynh không vào bếp ăn của trường đột xuất thì không thể biết được nhà trường cho các con ăn cơm sống và ăn bánh mì không có nhãn mác.
Rất mong các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, xác minh rõ sự việc để những phụ huynh như mình yên tâm gửi con và đi làm”.
Vì nhà trường tin tưởng nên công ty không dán nhãn mác vào bánh?
Rộng đường dư luận, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô Nguyễn Thị Nga (Hiệu trưởng trường Mầm non Thị trấn Lim 2). Cô Nga cho hay: “Ngày 3/10 mình không có ở trường, công tác bán trú giao cho hiệu phó và các cô nhà bếp.
Trưa hôm ấy cũng là buổi đầu tiên nhập gạo mới, khi mở tủ cơm ra có một số khay cơm hơi bị sống. Vì thế, các cô xử lý bằng cách bỏ phần cơm sống ấy đi, chỉ cho các con ăn cơm chín.
Bù vào phần cơm bị bỏ đi ấy, các cô đã lấy suất cháo ăn buổi chiều cho các con ăn. Đến khoảng 10h45, có phụ huynh xông vào lớp thấy những suất cơm sống ấy liền mang sang khu chính nói nhà trường cho các con ăn cơm sống.
Còn về việc phụ huynh phản ánh nhà trường cho các con ăn những chiếc bánh mì không nhãn mác thì đó là do sơ suất của nhà trường. Đó là phần ăn buổi chiều của các con. Nhà trường ký hợp đồng với Công ty Cổ phần bánh Phương Viên 6 năm nay.
Trước đó, bên công ty vẫn dán nhãn mác khi mang bánh tới trường nhưng thời gian gần đây vì quá tin tưởng nhau nên công ty không dán nhãn mác nữa.
Vì phụ huynh nghi ngờ chất lượng bánh nên hiện tại mẫu bánh mỳ dành cho các con ăn buổi chiều hôm ấy đã mang đi xét nghiệm nhưng chưa có kết quả. Trước mắt, theo phản ánh của phụ huynh, nhà trường cũng đã dừng công tác bán trú.
Nhưng đến hôm nay, một số phụ huynh đề nghị nhà trường khôi phục công tác bán trú vì phụ huynh đi làm không có thời gian đón và cho con ăn buổi trưa.
Việc ngộ độc của các con không phải do thức ăn ngày 3/10. Tính từ ngày 16/9 đến 30/9 có khoảng 17 trên tổng số 400 học sinh bị ngộ độc. Đến ngày 3/10 thì không còn cháu nào bị đau bụng. Sự việc này, nhà trường cũng đã báo cáo với các cơ quan chức năng.
Với công ty cung cấp thực phẩm, trước khi ký kết hợp đồng cung cấp, nhà trường cũng đã tìm hiểu công ty uy tín và đầy đủ tư cách pháp nhân”.
Chia sẻ với PV báo Infonet, ông Phạm Đăng Thiêng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Du – Bắc Ninh cho hay: “Ngay sau khi nhận được phản ánh, cán bộ của Phòng GD&ĐT huyện Tiên du đã xuống trường Mầm non Thị trấn Lim 2 kiểm tra và xác minh. Với vai trò một nhà quản lý, tôi phê bình nhà trường vì đã buông lỏng công tác quản lý khi nhập bánh không nhãn mác.
Về mặt chuyên môn, UBND huyện Tiên Du đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng huyện, cán bộ Cục an toàn thực phẩm niêm phong mẫu bánh mang đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, thành lập đoàn kiểm tra đột xuất với cơ sở sản xuất bánh Phương Viên”.
No comments:
Post a Comment