Một quy chế gìn giữ hình ảnh Hoa hậu Việt Nam sẽ được ban hành tới đây. Nhưng chuyện Hoa hậu đến muộn, Hoa hậu mặc xấu, Hoa hậu phát ngôn gây tranh cãi ... sẽ không còn?
Thế là mấy tay chuyên ngồi nhà lướt mạng và soi chuyện thiên hạ sẽ bớt việc. Cộng đồng mạng, nhất là những tín đồ thích ngắm gái đẹp sẽ buồn thườn thượt vì chẳng có gì để bàn tán, bình luận. Bởi thông tin tới đây một quy chế để gìn giữ hình ảnh của các hoa hậu Việt Nam sẽ được ban hành. Hẳn là sẽ chẳng còn chuyện hoa hậu đến muộn, hoa hậu mặc xấu, hoa hậu phát ngôn gây tranh cãi nữa. Đến lúc ấy, người đẹp được vinh danh mới hoàn hảo theo đúng nghĩa và mới đủ tự tin “mang chuông đi đánh xứ người”?
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 cho biết, mục đích của việc ban hành quy chế nhằm “hỗ trợ hoa hậu hoạt động, xây dựng hình ảnh sau khi đã bước ra khỏi cuộc thi, hướng đến việc tổ chức chuyên nghiệp hơn, để các thí sinh không phải tự mình tìm tòi khi bước ra môi trường mới, với vị thế mới của mình”.
Hiểu nôm na nghĩa là, những người đẹp lên ngôi ở các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sắp tới sẽ phải tuân thủ những quy chế để không tạo ra những scandal không đáng có.
Nguyên nhân của việc bất đắc dĩ này, theo ông Lê Xuân Sơn là do hoa hậu Kỳ Duyên thời gian qua liên tiếp vướng vào những scandal ồn ào khiến dư luận quan tâm và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của ban tổ chức cuộc thi hoa hậu Việt Nam.
Nhưng những scandal mà hoa hậu Kỳ Duyên gây ra là gì? Đó là: bị chê xấu, không xứng đáng với ngôi vị hoa hậu; ăn mặc quê mùa; đôi mắt thiếu cân xứng; bị ghép ảnh sex; chụp ảnh tự sướng nhưng dùng photoshop quá đà; từ thiện để “làm màu”; để mẹ xách đồ; bị “đàn chị” dạy dỗ vì mải mê làm đẹp … Toàn những nguyên nhân giời ơi đất hỡi, và bị cho là không xứng tầm hoa hậu quốc gia.
Mặc dù ban tổ chức cuộc thi hoa hậu Việt Nam nói rằng đang tiến hành soạn thảo bộ quy chế nhưng chắc nhiều người tò mò lắm? Tò mò vì người ta sẽ định hướng thí sinh bảo vệ hình ảnh của mình thế nào khi từ dáng đứng, nụ cười cho đến cách ăn mặc cũng dễ dàng bị cộng đồng mạng đem ra đấu tố và tranh cãi?
Những người lên ngôi hoa hậu, á hậu vốn không phải là búp bê Barbie để có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Họ càng không phải vĩ nhân để có thể khôn ngoan giấu đi những hỉ, nộ, ái, ố của đời sống thường nhật. Và trong một khoảnh khắc bất cẩn nào đó, một chi tiết, một hành động có thể trở thành nguồn gốc của một cơn cuồng phong mang tên cộng đồng mạng.
Thực tế chúng ta có quyền chê trách một cô hoa hậu không chuyên nghiệp, hay đến muộn các sự kiện nhưng đem chuyện mặc xấu - mặc đẹp, da trắng da – da đen … để tranh cãi thì thật khiên cưỡng. Vậy ban tổ chức phải hướng dẫn thế nào để người đẹp chiều lòng dư luận?
Hơn ai hết chính bản thân những người đẹp lên ngôi tại cuộc thi là người có ý thức giữ gìn hình ảnh nhất, tự thiết lập cho mình những cơ chế bảo vệ ngặt nghèo nhất trước những ánh nhìn sắc lẹm của cả người hâm mộ lẫn người ghanh ghét.
Nhưng trong thời buổi bùng nổ mạng xã hội, khi tất cả những chi tiết từ vĩ mô tới vi mô đều có thể mang ra bàn luận thì tai họa không thể biết trước. Vậy thì bảo vệ và định hướng cho người đẹp thế nào?
Thêm điều nữa là ban tổ chức cuộc thi hoa hậu Việt Nam không phải là cơ quan quản lý. Thế nên những quy tắc ban ra chỉ mang tính chất quy chuẩn là chủ yếu? Giả sử với những người đẹp lên ngôi, nếu họ không tuân thủ thì xử lý thế nào? Chẳng lẽ tước vương miện hoa hậu?
Vậy nên tất cả chúng ta cùng đợi xem quy chế này thế nào để những thí sinh chuẩn bị đội vương miện không còn phải sợ hãi trước những cơn cuồng nộ bất thường của cộng đồng mạng. Bởi suy cho cùng, quy chế đề ra nhằm bảo vệ và định hướng hình ảnh cho thí sinh. Ngoài ra còn bảo vệ cho chính ban tổ chức nữa.
This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at fivefilters.org/content-only/faq.php#publishers.
Recommended article from FiveFilters.org: Most Labour MPs in the UK Are Revolting.
No comments:
Post a Comment